Mỹ sáng tạo hơn trong viện trợ Ukraine ?

Khánh An
Khánh An
08/10/2023 06:22 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số nghị sĩ tìm cách vận dụng mọi biện pháp có thể nhằm duy trì viện trợ an ninh cho Ukraine.

Tờ Politico ngày 7.10 đưa tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số nghị sĩ đang tìm những phương thức mang tính sáng tạo để duy trì viện trợ vũ khí cho Ukraine, khi Quốc hội Mỹ chưa thống nhất về vấn đề viện trợ này và Hạ viện tạm thời tê liệt sau khi ông Kevin McCarthy bị bãi nhiệm chức chủ tịch hôm 3.10.

Hai hướng viện trợ

Theo hướng thứ nhất, đội ngũ của ông Biden đang tìm cách vận dụng chương trình tài trợ quân sự nước ngoài do Bộ Ngoại giao nước này phụ trách nhằm cung cấp những khoản viện trợ hoặc vay, giúp các đối tác mua vũ khí và thiết bị quốc phòng. 

Tổng thống Ukraine tin phương Tây tiếp tục hỗ trợ dù có 'bão tố chính trị'

Nguồn quỹ này có thể được chuyển thẳng đến Kyiv hoặc các bên bị ảnh hưởng gián tiếp bởi chiến sự tại Ukraine. Ngày 4.10, Tổng thống Biden đề cập "một phương thức khác mà chúng tôi có thể tìm được nguồn quỹ để viện trợ" Ukraine.

Mỹ sáng tạo hơn trong viện trợ Ukraine ?  - Ảnh 1.

Hệ thống Vòm Sắt có thể được Mỹ dùng để trao đổi 3 bên

Lục quân Mỹ

Một phương thức khác xuất phát từ ý tưởng của hạ nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen về việc trao đổi 3 bên giữa Mỹ, Ba Lan và Ukraine. Cụ thể, Ba Lan có thể nhận các hệ thống phòng không Vòm Sắt từ Mỹ và gửi một số hệ thống của mình cho Ukraine. Ông Van Hollen đã thảo luận kế hoạch này trong cuộc họp kín mới đây tại Lầu Năm Góc. Sau cuộc họp, ông cho rằng Ba Lan là một đối tác tiềm năng, vì nước này năm ngoái nhận các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Các nỗ lực tiếp tục viện trợ Kyiv diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo về nguy cơ Nga tấn công hạ tầng năng lượng vào mùa đông sắp tới.

Nhà Trắng: Viện trợ hiện có cho Ukraine không phải "vô hạn"

Nga phản đối

Phản ứng về việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine, hãng TASS dẫn lời Phó đại diện thường trực thứ 1 của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky cho hay Moscow đề nghị HĐBA LHQ triệu tập cuộc họp về vấn đề này vào ngày 13.10. "Tuần tới, HĐBA LHQ sẽ phải một lần nữa đào sâu vấn đề Ukraine. Chúng tôi không bao giờ cho phép phương Tây tự do quảng bá câu chuyện của họ tại diễn đàn LHQ, chúng tôi ngay lập tức yêu cầu một cuộc họp về việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine", ông cho biết.

Trong khi đó, theo Reuters, Mỹ dự kiến sẽ công bố gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine trị giá 200 triệu USD. Lầu Năm Góc vẫn còn khoảng 5,4 tỉ USD trong số 6,2 tỉ USD dôi ra trong các khoản viện trợ đã được quốc hội thông qua, sau khi cơ quan này hồi tháng 6 phát hiện rằng mình đã ước tính vượt giá trị thực tế của số vũ khí đã chuyển cho Kyiv.

Ngoài ra, CNN đưa tin hãng vũ khí lớn nhất Đức là Rheinmetall cho biết đã đặt các đơn hàng lớn về đạn pháo theo thỏa thuận với chính phủ Đức nhằm bổ sung cho kho đạn dược bị sụt giảm bởi việc hỗ trợ Ukraine. Giới lãnh đạo hãng trước đó hé lộ Rheinmetall sẽ tăng tốc sản xuất đạn pháo để hỗ trợ Kyiv. Ngoài ra, giới chức Hà Lan ngày 6.10 cho hay nước này sẽ viện trợ 108 triệu USD giúp Ukraine về đầu tư, hồi phục và cải cách.

Thiếu viện trợ Mỹ, Ukraine lo không thể trả lương công chức, giáo viên

Trong một diễn biến khác, theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ vừa thêm 42 tổ chức Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, liên quan cáo buộc hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nga. Bộ Thương mại Trung Quốc gọi đây là hành động "cưỡng ép về kinh tế, đơn phương bắt nạt", đồng thời kêu gọi Mỹ lập tức "sửa sai". Liên quan việc hỗ trợ Nga, Đài CBS ngày 6.10 dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu cung cấp pháo cho Nga. Bình Nhưỡng không lập tức đưa ra bình luận liên quan.

Nga sẽ rút khỏi Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện

Hãng TASS ngày 7.10 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ rút khỏi Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) vì Mỹ vẫn chưa phê chuẩn. Đặc phái viên Nga tại Tổ chức CTBT Mikhail Ulyanov xác nhận Nga sẽ rút lại việc phê chuẩn, nhưng nói rõ Moscow không có ý định khôi phục thử nghiệm. Hiệp ước được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 24.9.1996, cấm thử vũ khí hạt nhân và các vụ nổ hạt nhân hòa bình ở tất cả mọi nơi. CTBT được phê chuẩn bởi 178 nước, nhưng chưa có hiệu lực do còn vướng 8 nước. Ai Cập, Iran, Israel, Mỹ và Trung Quốc ký nhưng chưa phê chuẩn; còn Ấn Độ, CHDCND Triều Tiên và Pakistan chưa ký kết. Tại Mỹ, Tổng thống George H.W.Bush vào năm 1992 đã ký lệnh cấm thử hạt nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.