TNO

Mỹ sẽ bán máy phóng máy bay bằng điện từ cho Ấn Độ

06/04/2015 17:43 GMT+7

(Tin Nóng) Mỹ có thể bán cho Ấn Độ hệ thống phóng máy bay trên tàu sân bay bằng điện từ trường, hứa hẹn mang lại khả năng nâng cấp quan trọng cho tàu sân bay của quốc gia Nam Á này.

(Tin Nóng) Mỹ có thể bán cho Ấn Độ hệ thống phóng máy bay trên tàu sân bay bằng điện từ trường, hứa hẹn mang lại khả năng nâng cấp quan trọng cho tàu sân bay của quốc gia Nam Á này.


Hải quân Mỹ phóng thử máy bay huấn luyện T-45C Goshawk bằng hệ thống EMALS - Ảnh: Aviation News

Theo nhận xét của một quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ, Washington không phản đối việc Ấn Độ được chuyển giao công nghệ tàu sân bay hiện đại.

Cụ thể, Reuters cuối tuần qua dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Frank Kendall chuyên trách việc mua vũ khí, công nghệ quốc phòng và hậu cần, cho hay chính quyền nước này sẽ ủng hộ Ấn Độ mua hệ thống phóng máy bay bằng điện từ trường dùng cho hàng không mẫu hạm, tức hệ thống EMALS do nhà thầu General Atomics trụ sở tại San Diego chế tạo. EMALS sẽ được bố trí lần đầu tiên trên tàu sân bay lớp Ford đang hoàn thiện. Hiện các tàu sân bay Mỹ sử dụng hệ thống phóng máy bay bằng hơi nước.

“Tôi lạc quan về khả năng hợp tác với họ về vấn đề này”, ông Kendall trả lời Reuters khi được hỏi về viễn cảnh của thỏa thuận EMALS với Ấn Độ. “Họ phải đưa ra quyết định về công nghệ mình muốn, nhưng tôi không thấy bất cứ trở ngại nào cho phép họ tiếp nhận một số công nghệ tàu sân bay của Mỹ, nếu họ muốn”, thứ trưởng Mỹ bổ sung.

Ấn Độ hiện vận hành 2 tàu sân bay là INS Viraat và INS Vikramaditya. Chiếc đầu tiên thuộc lớp Centaur mua từ Anh, còn chiếc sau mua từ Nga thuộc lớp tuần dương hạm Kiev đã được thay đổi cho phù hợp với nhu cầu người mua.

New Delhi cũng đang thiết kế tàu sân bay nội địa, chiếc INS Vikrant có lượng choán nước 40.000 tấn, dự kiến sẽ gia nhập hải quân vào năm 2017. Chiếc tàu lớp Vikrant thứ hai, INS Vishal, đã được lên kế hoạch và phải đợi đến trước năm 2030 mới có hy vọng được biên chế vào hải quân.

Tàu sân bay lớp Vikrant sẽ sử dụng hệ thống phóng cất cánh cự ly ngắn và cáp hãm đà (STOBAR) cho các chiến đấu cơ trên khoang. Chỉ có Nga, Ấn Độ và Trung Quốc sử dụng hệ thống này cho tàu sân bay.

Do vậy, khả năng tiếp nhận EMALS có thể giúp tạo ra một hệ thống phóng phức tạp hơn là máy phóng hỗ trợ cất cánh và cáp hãm đà để hỗ trợ hạ cánh (CATOBAR) luôn được những cường quốc có tàu sân bay ao ước lâu nay.

EMALS đã cải thiến hệ thống CATOBAR của Hải quân Mỹ bằng cách giảm áp lực lên khung tàu sân bay.

Về khía cạnh chiến đấu, tàu sân bay Ấn Độ được trang bị EMALS có thể tận hưởng khả năng hoạt động linh hoạt hơn hẳn so với các đối thủ trong khu vực, theo nhận định của The Diplomat ngày 6.4. Dù khiến chi phi tăng cao, sự tích hợp thành công EMALS về lý thuyết cho phép các tàu sân bay Ấn Độ phóng nhiều dạng chiến đấu cơ hơn, và triển khai máy bay dễ dàng hơn.

Còn tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, vào năm 2013 bị Bộ Quốc phòng Mỹ chê rằng hệ thống STOBAR  khiến chiến đấu cơ J-15 bị hạn chế về lượng vũ khí mang theo khi xuất kích từ tàu sân bay.


Hầu hết tàu sân bay Mỹ dùng máy phóng máy bay, còn tàu sân bay các nước không dùng máy phóng nên thiết kế tàu sân bay có mũi hếch lên để máy bay dễ cất cánh. Đồ hoạ: Siêu tàu sân bay đang đóng của Mỹ, chiếc USS Gerald R. Ford (CVN 78) sẽ trang bị máy phóng dùng điện từ trường đầu tiên - Ảnh: Hải quân Mỹ

Phi Yến

>> Hải quân Mỹ sắp thử nghiệm máy phóng máy bay bằng điện từ trường
>> Nga nâng cấp tiêm kích tàu sân bay Su-33 hoạt động thêm 10 năm
>> Tướng Trung Quốc xác nhận đang đóng tàu sân bay thứ hai
>> Tàu ngầm Pháp 'đánh chìm' tàu sân bay Mỹ
>> Tư lệnh Hải quân Việt Nam thăm tàu sân bay George Washington
>> Xem tàu sân bay hạt nhân Pháp Charles de Gaulle đến vùng Vịnh
>> Nga đóng mới tàu sân bay mất 8-10 năm
>> Tiêm kích tàng hình F-35C lần đầu đáp xuống tàu sân bay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.