"Khi chúng tôi tiêm chủng cho toàn bộ người dân Mỹ, chúng tôi sẽ có thể làm được nhiều hơn nữa cho toàn thế giới. Trong những tháng tới, tôi tin rằng Mỹ sẽ dẫn đầu trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận vắc xin Covid-19 trên toàn cầu", ông Blinken nói trong buổi họp báo trực tuyến sau cuộc hội đàm tại Liên Hiệp Quốc ngày 29.3, theo AFP.
Mỹ đã ký một thỏa thuận sản xuất vắc xin Covid-19 ở Ấn Độ với sự hỗ trợ từ các đồng minh Nhật Bản và Úc, để thúc đẩy việc tiếp cận vắc xin ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc nỗ lực tìm cách mở rộng sực ảnh hưởng.
Chính phủ Tổng thống Joe Biden cũng đang gửi hàng triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) tới các nước láng giềng Canada và Mexico.
Washington đồng thời đóng góp hoặc cam kết 4 tỉ USD cho chương trình Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển tiếp cận vắc xin Covid-19. Trong khi đó, Mỹ dù trữ hàng triệu liều nhưng chưa phê chuẩn vắc xin AstraZeneca.
Bên cạnh đó, ông Biden đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Mỹ kể từ khi nhậm chức hôm 20.1.
Nhà Trắng ngày 29.3 tuyên bố 90% trong tổng số 250 triệu người Mỹ trưởng thành sẽ đủ điều kiện tiêm vắc xin Covid-19 vào ngày 19.4. Với tiến độ nhanh chóng, Mỹ có thể sớm đối mặt tình trạng thừa liều vắc xin Covid-19.
Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ cung cấp vắc xin cho Brazil hay không, ông Blinken không trả lời trực tiếp nhưng cho biết mối quan hệ với Brazil là "rất quan trọng".
Chính trường Brazil lâm vào khủng hoảng khi bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng đồng loạt từ chức vào ngày 29.3 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng vọt và thiếu nguồn cung vắc xin Covid-19 nghiêm trọng.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là một trong những đồng minh quốc tế trung thành nhất của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giống như ông Trump, Tổng thống Bolsonaro ủng hộ các thuyết âm mưu vô căn cứ về Covid-19 và thậm chí kịch liệt lên án việc đeo khẩu trang và lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, theo AFP.
Bình luận (0)