Đó là nhận định của các chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc sau khi Mỹ điều tàu khu trục USS Decatur đến gần đảo Phú Lâm và Tri Tôn hồi tuần qua. Trung Quốc điều 3 tàu chiến bám theo đến khi tàu của Mỹ rời khỏi khu vực gần 2 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng này.
“Mỹ đã đánh mất một trục ở khu vực khi Philippines thay đổi chính sách đối ngoại và ngưng đối đầu với Trung Quốc”, ông Ni Lexiong, nhà quan sát quân sự ở Thượng Hải nhận định, theo South China Morning Post ngày 25.10.
“Để tiếp tục chủ nghĩa bá quyền và trấn an các đồng minh khác (ở châu Á), Mỹ không thể ngồi yên hoặc không làm gì”, ông này nói tiếp.
Ông Hu Bo, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu đại dương tại đại học Bắc Kinh, nói rằng miễn là chính sách xoay trục còn hiệu lực, Washington vẫn tiếp tục thể hiện sức mạnh quân sự của mình.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hải quân ở Bắc Kinh, ông Li Jie cho rằng Mỹ sẽ kêu gọi thêm sự ủng hộ từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác có hoặc không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông nhằm tăng sự đối đầu với Trung Quốc.
"Nếu không có con chốt nào để di chuyển, Mỹ phải sử dụng bàn tay ‘bẩn’ của mình để tiếp tục khẳng định rằng sẽ không rời khỏi khu vực này", ông Li nói.
|
Trong khi đó, ông Ian Storey, chuyên gia cao cấp tại Viện Ishak ISEAS-Yusof ở Singapore cho rằng việc tuần tra của hải quân Mỹ là nhằm thách thức với “tuyên bố quá mức” của Trung Quốc khiến Biển Đông căng thẳng không phải do Washington mà là Bắc Kinh.
"Nếu Trung Quốc chọn cách thách thức hoạt động tuần tra của Mỹ thì căng thẳng sẽ gia tăng. Còn nếu Trung Quốc chỉ đơn thuần phản đối thì tôi không nghĩ căng thẳng sẽ xảy ra", ông Ian nói.
Vụ điều tàu chiến tuần tra quanh các đảo ở Biển Đông vừa qua, cũng là lần thứ tư cho đến nay, diễn ra trong thời gian Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte công du Trung Quốc để tăng cường quan hệ với nền kinh tế lớn nhất châu Á này. Ông Duterte cùng đi thăm đồng minh của Mỹ là Nhật Bản từ ngày 25.10.
Ba lần trước, hồi tháng 11.2015, tháng 1 và 5.2016, tàu chiến Mỹ khi tiến hành tuần tra đã không vào vùng giới hạn 12 hải lý xung quanh những đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur thuộc Nhóm tác chiến mặt biển (SAG) gồm 3 tàu đã được triển khai tới Biển Đông 6 tháng trước, theo Tư lệnh Ryan Perry, phát ngôn viên của Hạm đội 3.
Reuters dẫn phát biểu của các nguồn tin liên quan đến quân sự Mỹ nói rằng việc điều tàu USS Decatur đến Biển Đông là một động thái mới nhằm thử nghiệm việc điều động tàu chiến ở những hạm đội khác nhau của Washington.
Lần đầu tiên từ sau Thế chiến 2, một tàu chiến được điều động nhưng không theo lệnh của Hạm đội 7 vốn đặt căn cứ ở Nhật Bản, mà thay vào đó là từ Hạm đội 3 ở Mỹ.
|
“Đây là điều đầu tiên của những điều sẽ được tiếp tục thực hiện trong tương lai”, một nguồn tin có liên quan đến kế hoạch quân sự của Mỹ nhưng không muốn nêu tên nói với Reuters.
Hạm đội 7, với trụ sở đóng tại cảng Yokosuka của Nhật Bản, có khoảng 80 tàu chiến, trong đó có tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan. Trong khi đó Hạm đội 3 có đến 100 tàu, bao gồm 4 tàu sân bay.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift năm 2015 trong một phát biểu cho biết vai trò của Hạm đội 3 sẽ được tăng cường khi những rào cản hành chính gây khó khăn cho việc phối hợp chỉ huy giữa các hạm đội được gỡ bỏ.
Đầu năm nay, một quan chức Mỹ cho biết sẽ có nhiều tàu từ Hạm đội 3 được đưa đến khu vực Đông Á trong bối cảnh Mỹ muốn đẩy mạnh chính sách xoay trục về châu Á và đối phó sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh cáo buộc Washington cố tình gây căng thẳng khi điều nhiều tàu chiến đến những đảo do Trung Quốc chiếm đóng.
Bình luận (0)