(Tin Nóng) Ngày 28.10.1962, giữa lúc cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba đang lên đỉnh điểm, một căn cứ tên lửa hạt nhân của Mỹ tại đảo Okinawa (Nhật Bản) nhận lệnh phóng tên lửa hạt nhân vào vùng Viễn Đông của Liên Xô. Chiến tranh thế giới lần III may mắn không xảy ra nhờ sự sáng suốt của 1 chỉ huy căn cứ.
Tên lửa Mace từ hầm ngầm phóng ra trong một lần diễn tập - Ảnh: Không lực Mỹ
|
Theo tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists (Mỹ) ngày 25.10, thời điểm đó đang xảy ra vụ khủng hoảng tên lửa tại Cuba, khi Liên Xô bố trí tên lửa hạt nhân tại hòn đảo này nhằm vào Mỹ. Lúc đó Không lực Mỹ có 4 căn cứ tên lửa hạt nhân xây ngầm đặt tại đảo Okinawa, Nhật Bản với 32 tên lửa hành trình Mace B (dài 13,6 m, đường kính 1,2 m, sải cánh 7 m, nặng 8,5 tấn) mang đầu đạn hạt nhân loại Mark 28. Mỗi đầu đạn này có sức nổ tương đương 1,1 triệu tấn thuốc nổ TNT, tức gấp 70 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima hoặc Nagasaki.
Tầm bắn của tên lửa hành trình Mace B là khoảng 2.400 km, từ Okinawa có thể bắn tới Hà Nội, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng và các căn cứ của Liên Xô ở Vladivostok.
Ông John Bordne, cựu quân nhân Không lực Mỹ tại căn cứ tên lửa ở Okinawa, nay sống ở Blakeslee, bang Pennsylvania kể với tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists rằng vào những giờ đầu tiên của buổi sáng 28.10.1962, ông ta và các đồng đội nhận lệnh chuẩn bị phóng tên lửa hạt nhân tấn công Liên Xô.
Bordne lúc đó phục vụ tại một căn cứ tên lửa hạt nhân ở Okinawa. Mỗi căn cứ như vậy có 2 trung tâm phóng tên lửa, mỗi trung tâm có 4 quả Mace B và 7 nhân viên phụ trách. Sĩ quan phụ trách phóng của mỗi trung tâm chịu trách nhiệm với 4 quả Mace B này.
Chỉ huy của Bordne là đại uý William Bassett nhận được lệnh cho phóng 4 quả tên lửa hạt nhân. Việc phóng này phải qua 3 lớp mã an ninh, và xác nhận thông tin chính xác cho mỗi lần.
Một tên lửa hành trình Mace xuất hiện trên đường phố ở Gushikawa, đảo Okinawa đầu những năm 1960 - Ảnh: Japanfocus
|
Tầm bắn của tên lửa hạt nhân Mace từ Okinawa
|
Khi viên đại uý đọc danh sách 4 mục tiêu cần bắn tên lửa, ông sửng sốt khi thấy có đến 3 mục tiêu không nằm ở Liên Xô. Lúc đó Bordne nhớ lại có điện thoại nội bộ vang lên, một sĩ quan phụ trách phóng tên lửa khác báo cáo rằng danh sách mục tiêu của anh ta có 2 mục tiêu nằm ngoài lãnh thổ Liên Xô. Đại uý Bassett lo lắng: tại sao lại có những nước khác là mục tiêu của tên lửa hạt nhân thay vì Liên Xô? Dường như có sự nhầm lẫn.
Lúc đó do đang trong tình hình căng thẳng vụ tên lửa ở Cuba, các căn cứ tên lửa hạt nhân của Mỹ đều đặt ở tình trạng báo động Sẵn sàng phòng thủ cấp 2 (DEFCON 2). Khi có lệnh chiến đấu, các căn cứ này chuyển sang chế độ DEFCON 1 chỉ trong vài phút và sẽ phóng tên lửa trong vòng 1 phút khi nhận lệnh khai hoả.
Theo lệnh nhận được, căn cứ phải chuyển sang chế độ DEFCON 1. Đại uý Bassett quyết định chưa chuyển sang DEFCON 1 và gọi cho Trung tâm điều hành tên lửa nói rằng chưa nghe rõ mệnh lệnh phóng tên lửa, có phải đã chuyển sang DEFCON 1 chưa và ông sẽ phóng tên lửa hay dừng phóng.
Đồng thời ông liên lạc với các căn cứ khác hội ý và đề nghị đóng cửa các hầm phóng tên lửa để bảo vệ tên lửa khỏi một cuộc tấn công nếu có.
Tuy vậy tại một trung tâm phóng tên lửa của Bassett, các nhân viên đã sẵn sàng với ngón tay đặt trên nút bấm, chuẩn bị khởi động vũ khí hạt nhân vì cho rằng đã chuyển sang chế độ DEFCON 1 rồi. Ông Bordne nhớ lại đại uý Bassett lặp lại yêu cầu ngưng phóng và ra lệnh 2 lính vũ trang sẵn sàng bắn viên trung úy nếu anh ta cố gắng khởi động tên lửa mà không được sự cho phép bằng miệng từ sĩ quan cao cấp của anh ta.
Và sau một hồi lâu, đại uý Bassett nhận được điện thoại của Trung tâm điều hành tên lửa thông báo chỉ thị mới là… không có phóng tên lửa.
Đại uý Bassett đã sáng suốt khi ra quyết định như vậy, nhờ đó không quả tên lửa nào được phóng đi, thế giới tránh được thảm hoạ hạt nhân của Thế chiến III.
Tên lửa Mace tại Bảo tàng không quân quốc gia ở Dayton, bang Ohio - Ảnh: Bảo tàng
|
Một căn cứ tên lửa Mace ở Onna, Okinawa đầu những năm 1960
|
Sau khi sự cố suýt phóng tên lửa trôi qua, đại uý Bassett cảnh báo các thuộc cấp của mình: “Không ai trong chúng ta được nói ra về bất cứ điều gì đã xảy ra ở đây sáng hôm nay, không có bàn thảo gì về chuyện này ở các doanh trại, trong quán bar, hay thậm chí ở nơi đây. Thậm chí các anh cũng không được viết về chuyện này khi về nhà”.
Hơn 1 tháng sau, một phiên toà quân sự diễn ra, xét xử viên thiếu tá đã ra lệnh phóng tên lửa ở Okinawa. Đại uý Bassett kể lại cho các thuộc cấp rằng viên thiếu tá ra lệnh sai trái đó đã bị buộc về hưu trước thời hạn. Tuy nhiên người ta lại chẳng khen thưởng cho các sĩ quan phóng tên lửa, những người đã ngăn chặn được cuộc chiến tranh hạt nhân suýt xảy ra.
Đại uý Bassett qua đời năm 2011 và chẳng ai tiết lộ chuyện này trong 50 năm sau đó. Mãi đến năm 2015, Không lực Mỹ mới cho phép cựu binh John Bordne kể lại câu chuyện này.
Hiện các nhà nghiên cứu đang yêu cầu Cơ quan lưu trữ quốc gia cho giải mật hồ sơ liên quan sự cố này.
Anh Sơn
>> Căn cứ bí mật dưới lòng đất của Mỹ gần Bắc Cực
>> Những đoàn tàu lửa vũ trang đáng gờm của Liên Xô và Nga
>> Tên lửa hạt nhân bị rò rỉ nhiên liệu ở Nga
>> Mỹ tốn 300 tỉ USD để bảo dưỡng lực lượng hạt nhân chiến lược
Bình luận (0)