Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh kế hoạch nâng cấp sân bay trị giá 400 triệu USD ở Micronesia nhằm tăng cường khả năng phòng thủ ở Thái Bình Dương, theo The Guardian ngày 10.4.
Khu vực này ngày càng có tầm quan trọng chiến lược của Mỹ nhằm tranh giành ảnh hưởng với các đối thủ. Trong đó, Micronesia là một trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Trước đó, hồi tháng 5.2023, Mỹ và Micronesia đã ký Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA), quy định việc Washington sẽ viện trợ tài chính và hỗ trợ cho Micronesia, đổi lại lực lượng vũ trang Mỹ được độc quyền vận hành căn cứ tại đây.
Tổng thống Simina nói rằng: "Micronesia sẵn sàng cho Mỹ xem xét đối với bất kỳ hoạt động nào liên quan đến quốc phòng, bao gồm cả việc sử dụng đất đai và đại dương của nước này".
Hiện Mỹ tiến hành nâng cấp sân bay trên đảo Yap (Micronesia) - một trong 4 bang hợp thành Micronesia. Lực lượng Không quân Mỹ cho biết Micronesia và đảo Yap "có vị trí chiến lược" ở phía tây Thái Bình Dương. Do đó, việc phát triển sân bay Yap là cần thiết vì có rất ít sân bay chuyển hướng hoặc dự phòng có sẵn để làm địa điểm phòng thủ tiềm năng của Mỹ trong khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang xem xét các bang còn lại là Chuuk, Pohnpei và Kosrae của Micronesia để tìm "các loại dự án mới".
Về vấn đề tài chính, bà Katherine Koenig, người phát ngôn của phái đoàn Liên khu vực Mariana - nơi quản lý các hoạt động quân sự của Mỹ ở các khu vực Thái Bình Dương, cho biết ngân sách đề xuất của Mỹ cho năm tài chính 2025 có 400 triệu USD để phát triển sân bay và cảng biển Yap.
Dự án gồm có mở rộng đường băng để đáp ứng hoạt động cất và hạ cánh của các máy bay cỡ lớn hơn, từ đó hỗ trợ huấn luyện và sứ mệnh nhân đạo tại sân bay Yap. Bà Katherine cho biết, nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, số tiền đầu tư ban đầu là 96 triệu USD vào năm 2025.
Đảo Yap sẽ là nơi diễn ra một phần trong các cuộc diễn tập quân sự gia tăng của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Nội dung tập trận đã được thảo luận trong cuộc gặp giữa Tổng thống Micronesia Simina và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ở Washington vào tháng 3.
Theo đó, ông Austin cho biết Mỹ và Micronesia thảo luận về "những cơ hội mới để hợp tác về thế trận phòng thủ giữa hai nước". Còn về phía Micronesia, ông Simina cho biết ông đang làm việc với bộ quốc phòng và Không quân Mỹ về chi tiết của cuộc tập trận. "Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi không biết số lượng cuộc tập trận cụ thể sẽ được thực hiện ở đảo Yap mỗi năm hoặc mỗi tháng", ông Simina trình bày thêm.
Nhận định về sự kiện trên, ông Michael Walsh, nhà nghiên cứu liên khu vực tại Trung tâm Nghiên cứu Úc, New Zealand và Thái Bình Dương, cho rằng Mỹ đang tìm cách mở rộng các căn cứ không quân trong khu vực để tăng thêm "sự phức tạp" cho hoạt động của mình.
"Hy vọng rằng sự phức tạp ngày càng tăng này sẽ khiến đối thủ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc dự đoán chính xác cách quân đội Mỹ sẽ phản ứng trong trường hợp có bất kỳ thách thức quân sự nào", ông Michael nói.
Tại sao bang Hawaii không được NATO bảo vệ?
Theo Tổng thống Simina, người dân đảo Yap rất dễ thích nghi và ủng hộ các hoạt động phát triển quốc phòng. Mặc dù có thể còn một số lo ngại, đặc biệt về vấn đề môi trường, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ biết rất rõ thách thức này.
Vào tháng 8.2023, chính phủ Micronesia tiết lộ kế hoạch của lực lượng Không quân Mỹ triển khai "các tài sản phòng không" tới đảo Yap. Tuy nhiên, thông tin chi tiết chưa được công bố. Ngoài Micronesia, Mỹ còn có các căn cứ quân sự ở các đảo quốc Thái Bình Dương khác là Palau và Quần đảo Marshall.
Bình luận (0)