Mỹ tăng cường năng lực đối phó tên lửa Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
08/05/2020 10:55 GMT+7

Mỹ đang triển khai nhiều vũ khí và chiến lược mới nhằm lấp đầy lỗ hổng về tên lửa phóng từ mặt đất so với Trung Quốc , nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trang web chính thức của thủy quân lục chiến Mỹ hôm qua (7.5) đưa tin chi tiết về đợt tập trận của Đơn vị viễn chinh số 31 ở Biển Đông từ ngày 17 - 24.4, qua đó nhấn mạnh về việc duy trì sự hiện diện tại vùng biển này.
Trong khi đó, theo một phân tích do Reuters đăng ngày 6.5, đây là thời điểm Mỹ triển khai nhiều vũ khí và chiến lược mới nhằm lấp đầy lỗ hổng về tên lửa phóng từ mặt đất so với Trung Quốc, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều tướng lĩnh quân đội Mỹ khi điều trần trước Quốc hội trong thời gian gần đây đều đề cập đến ý định trang bị cho thủy quân lục chiến các tên lửa Tomahawk hiện trang bị trên các tàu chiến. Quân đội Mỹ cũng đang tăng tốc bố trí các tên lửa diệt hạm tầm xa.
Giới chức Mỹ nhận định quân đội Trung Quốc đã triển khai đến khoảng 2.000 tên lửa vượt xa tầm bắn tên lửa của Mỹ và các đồng minh trong khu vực, nhờ tận dụng lợi thế không phải là nước ký kết Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Hiệp ước cấm Nga và Mỹ sở hữu tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi INF vào năm ngoái giúp Mỹ có cơ hội lấy lại thế cân bằng. Ngay sau khi rút khỏi hiệp ước vào ngày 2.8.2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết ông muốn điều động các tên lửa phóng từ mặt đất đến châu Á trong vòng vài tháng.
Tháng trước, Lầu Năm Góc thử phóng tên lửa Tomahawk từ mặt đất, sau khi thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất khác vào tháng 12.2019. Về chiến thuật, thủy quân lục chiến đang hợp lực với hải quân nhằm nâng cao năng lực đối phó với tàu chiến của đối phương, bên cạnh việc tăng cường năng lực diệt hạm.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo: mối nguy mới từ Trung Quốc dành cho Mỹ

Theo các tướng lĩnh Mỹ, nếu xảy ra xung đột, các đơn vị này sẽ kiểm soát những vị trí then chốt ở tây Thái Bình Dương và dọc theo chuỗi đảo thứ nhất - khái niệm nằm trong Chiến lược Chuỗi đảo mà Mỹ xây dựng nhằm vây xung quanh Trung Quốc và Liên Xô cũ - bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim và kết thúc ở Borneo.
Indonesia quan ngại về tình hình Biển Đông
Tờ The Jakarta Post hôm qua 7.5 đưa tin chính phủ Indonesia bày tỏ lo ngại về các diễn biến gần đây tại Biển Đông có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, bao gồm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Huỳnh Thiềm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.