Reuters ngày 21.10 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho hay họ đang thảo luận kế hoạch triển khai tàu chiến di chuyển thường xuyên qua eo biển Đài Loan, nhưng không nêu thời điểm cụ thể. Trước đó, 2 tàu khu trục Mỹ là USS Mustin và USS Benfold hồi tháng 7 di chuyển qua eo biển Đài Loan. Đến cuối tháng 9, tàu hộ tống Úc HMAS Melbourne mang tên lửa dẫn đường cũng có lộ trình tương tự. Hồi tuần rồi, một tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ cũng đã cập cảng Đài Loan.
tin liên quan
Mỹ cân nhắc điều thêm tàu chiến qua eo biển Đài LoanBên cạnh đó, CNN dẫn nguồn từ Lầu Năm Góc tiết lộ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đề xuất tiến hành chiến dịch diễn tập quy mô lớn kéo dài một tuần vào tháng 11 với sự tham gia của nhiều tàu chiến, máy bay và binh sĩ. Theo đề xuất, lực lượng Mỹ sẽ hoạt động gần vùng biển Trung Quốc áp đặt tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông và đi qua eo biển Đài Loan nhằm duy trì tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Nguồn tin cho biết thêm tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ dự kiến sẽ hoạt động áp sát lực lượng Trung Quốc nhưng sẽ tránh va chạm. Lầu Năm Góc từ chối bình luận về những thông tin trên với lý do không thể phát ngôn về những kế hoạch chưa diễn ra.
Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Bắc Kinh từng dọa sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập đồng thời tăng cường tập trận rầm rộ với máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay tại eo biển Đài Loan thời gian gần đây. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận bán các linh kiện chiến đấu cơ cho Đài Loan, còn nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách cho lực lượng phòng vệ.
Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga
Tổng thống Donald Trump hôm qua tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết với Nga vào năm 1987 sau khi cáo buộc đối phương phát triển nhiều loại vũ khí vi phạm hiệp ước, bao gồm tên lửa 9M729 tầm bắn trên 500 km. Theo INF, 2 nước phải tiêu hủy toàn bộ tên lửa phóng từ trên bộ tầm bắn 500 - 5.500 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân. “Tuy nhiên, Nga không tuân thủ cam kết. Vì thế, chúng tôi sẽ rút khỏi INF”, Reuters dẫn lời Tổng thống Trump phát biểu, đồng thời nói thêm Mỹ muốn Nga và cả Trung Quốc tham gia đàm phán một hiệp ước mới. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga tiếp tục bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa “hành động cực kỳ nguy hiểm” của Mỹ. Theo giới quan sát, động thái rút khỏi INF còn nhằm vào Trung Quốc vì nước này thời gian qua có thể phát triển tên lửa hạt nhân tầm trung mà không vướng phải bất kỳ rào cản nào.
|
Bình luận (0)