Mỹ thâm hụt ngân sách kỷ lục

14/07/2009 23:22 GMT+7

Những chương trình chi tiêu lớn của Chính phủ Mỹ có thể đẩy thâm hụt ngân sách trong năm tài chính này lên mức gần 2.000 tỉ USD.

Bộ Tài chính Mỹ hôm 13.7 thông báo thâm hụt ngân sách tính đến hết tháng 6 vừa qua đã lên tới mức chưa từng có trong lịch sử: 1.086 tỉ USD. Bộ này dự báo mức thâm hụt của cả năm tài chính 2008-2009, sẽ kết thúc vào cuối tháng 9, lên tới 1.840 tỉ USD, tức gấp 4 lần con số 455 tỉ của tài khóa 2007-2008.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, chính phủ tiền nhiệm của ông George W.Bush và của Tổng thống Barack Obama hiện nay đã dành ưu tiên hàng đầu cho việc vực dậy nền kinh tế, trong đó có giải cứu các tập đoàn kinh tế lớn và kích cầu. Một gói cứu trợ 700 tỉ USD và khoản kích cầu 787 tỉ đã được thông qua. Chi tiêu trong 9 tháng đầu của năm tài chính lên tới mức tổng cộng 2.670 tỉ, cao hơn 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Chính sách giảm thuế cùng trợ cấp thất nghiệp leo thang, do số người mất việc không ngừng tăng dưới tác động của khủng hoảng kinh tế, góp phần đẩy mức thâm hụt lên cao. Bên cạnh đó, chi phí cho các chiến dịch ở Afghanistan và Iraq cũng là những “thủ phạm”.

Với quyết tâm vực dậy nền kinh tế cũng như hiện thực hóa các cam kết thay đổi xã hội, chính quyền Obama đã không ngần ngại thực thi các kế hoạch đầy tốn kém. Chính vì thế cân đối ngân sách không phải là ưu tiên cao nhất. Đó là lý do mà con số thâm hụt do Bộ Tài chính công bố không gây bất ngờ.

Sự gia tăng thâm hụt ngân sách có thể khiến các chủ nợ nước ngoài của Mỹ “lên ruột”. “Đây là những con số gây lo ngại”, kinh tế gia Sung Won Sohn tại trường Kinh doanh Smith thuộc Đại học bang California phân tích với hãng tin AP. “Các nhà đầu tư nước ngoài của chúng ta ở Trung Quốc và các nơi khác đã bắt đầu lo ngại không chỉ về giá trị USD mà còn cả mức độ an toàn về lâu dài đối với các khoản đầu tư”. Giới quan sát cho rằng Bộ Tài chính Mỹ có thể sẽ trả lãi suất cao hơn cho các chủ nợ để hấp dẫn họ.

Rõ ràng thâm hụt ngân sách có thể khiến chi phí cho các khoản nợ của Chính phủ Mỹ sẽ tăng lên, bên cạnh đó là sự gia tăng nguy cơ lạm phát, sự suy yếu của USD.

Mức thâm hụt khổng lồ hiện nay là hệ quả của các nỗ lực bắt buộc để vực dậy nền kinh tế. Nếu không có các nỗ lực đó, nền kinh tế Mỹ có thể suy sụp trầm trọng hơn. Nhưng về lâu dài, khi sự xuống dốc của nền kinh tế đã qua đi, cân bằng ngân sách sẽ lại trở thành một ưu tiên. Lúc mới lên nắm quyền, ông Obama đã cam kết sẽ giảm thâm hụt xuống còn một nửa khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.

Có nghĩa là người Mỹ sẽ phải chứng kiến thuế tăng và chi tiêu giảm, trong đó có thể ngân sách cho khu vực y tế và giáo dục sẽ bị tổn thương. Vấn đề quan trọng là sự xuống dốc của kinh tế bao giờ mới chấm dứt để thực thi các biện pháp cân đối ngân sách. Bởi, nếu vội vã đưa ra các chính sách cân đối ngân sách trong khi nền kinh tế chưa lại sức thực sự, kết quả sẽ rất tồi tệ. Tổng thống Franklin Roosevelt đã mắc sai lầm này hồi thập niên 1930.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.