Mỹ tham vọng biến 'bà già U-2' thành vũ khí siêu hạng

27/08/2016 08:45 GMT+7

Mỹ đang lên kế hoạch cải biến máy bay do thám huyền thoại U-2 thành hệ thống bay đánh chặn tên lửa đạn đạo bằng vũ khí laser.

Theo chuyên trang Aviation Week, máy bay trinh sát lâu đời nhất của Mỹ U-2 có thể sẽ tiếp nhận thêm một sứ mệnh mới: bắn hạ tên lửa đạn đạo bằng vũ khí laser.
Được đưa vào hoạt động từ giữa thập niên 1950, chiếc U-2 đang trở thành ứng viên sáng giá để được cải tiến thành máy bay không người lái (UAV) trang bị vũ khí laser, trong khuôn khổ chương trình “vũ khí laser trên máy bay không người lái” đầy táo bạo của Cơ quan Phòng vệ tên lửa Mỹ (MDA).
Ưu thế của U-2
Sở dĩ các chuyên gia MDA “khoanh vùng” chiếc U-2 vì phi cơ này có khả năng bay liên tục, với tầm bay rất cao, lên tới hơn 21 km. Độ cao này không gây nguy hiểm cho hàng không dân dụng và giúp máy bay duy trì hoạt động hiệu quả bất chấp thời tiết xấu. Cụ thể, U-2 bay được với tốc độ 850 km/giờ, tầm hoạt động khoảng 10.000 km và bay liên tục 12 giờ, theo BBC. Các chuyên gia Mỹ mong muốn lắp vũ khí laser cho U-2 để tiêu diệt tên lửa của đối phương, bao gồm cả loại tên lửa mang đầu đạn hóa học lẫn hạt nhân, ngay trong giai đoạn tăng tốc, tức thời điểm tên lửa vừa rời bệ phóng lao lên không trung.
U-2 trở thành ứng viên nặng ký cho sứ mệnh trên còn nhờ sở hữu nguồn điện mạnh để tạo chùm tia laser cũng như khả năng bay được gần rìa không gian giúp dễ dàng tiếp cận các bệ phóng tên lửa của đối phương. Ngay khi tên lửa của đối phương vừa phóng lên thì chùm hỏa lực laser sẽ phóng thẳng vào tên lửa, đốt nóng thật nhanh, khiến lượng nhiên liệu để đẩy tên lửa bị nổ tung hoặc làm thân tên lửa hỏng nặng.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học và kỹ sư tham gia dự án còn đang nghiên cứu cải tạo chiếc U-2 thành UAV để dùng cho mục đích giám sát các vị trí phóng tên lửa của đối phương và ra đòn tấn công chớp nhoáng khi cần. Ngoài ra, máy bay cũng sẽ được trang bị năng lực tàng hình cùng khả năng giữ vững độ cao nằm ngoài tầm tấn công của các hệ thống phòng không hiện nay trên thế giới. Mặt khác, tuy đã xác định U-2 là ứng viên số 1 nhưng MDA cũng đang cân nhắc một số máy bay khác như UAV Avenger, máy bay vận tải C-130 Hercules… để bổ sung cho chương trình.
Chương trình YAL-1
Dự án máy bay laser mới của MDA được tiến hành dựa trên cơ sở của chương trình YAL-1, vốn đã làm tiêu tốn 5 tỉ USD và bị “xếp xó” vào năm 2011.
YAL-1 được triển khai từ đầu thập niên 2000 khi không quân Mỹ quyết định gắn thiết bị phóng tia laser công suất 1 megawatt lên máy bay dân sự Boeing-747 được cải tiến đặc biệt. Trọng tâm là bộ phận hình bầu dục có thể phóng chùm tia laser hóa học iodine ô xy gắn ở mũi máy bay để bắn hạ tên lửa đang di chuyển. Đây là sản phẩm chung của những nhà thầu quân sự hàng đầu nước Mỹ khi sử dụng máy bay của Boeing, Northrop Grumman chịu trách nhiệm chế tạo tia laser năng lượng cao, còn Lockheed Martin nghiên cứu phương thức phóng thành chùm tia hội tụ, đồng thời thiết kế hệ thống khai hỏa.
Đến năm 2010, chiếc Boeing YAL-1 lần đầu tiên đánh chặn thành công một tên lửa trong cuộc thử nghiệm tại căn cứ hải quân Ventura thuộc bang California. Các cuộc phóng thử sau đó cũng hoàn thành tốt đẹp, nhưng Lầu Năm Góc đã nhận ra những điểm yếu lớn của vũ khí này. Đó là chi phí quá cao và khả năng áp dụng trong thực tiễn quá thấp. Vũ khí laser trang bị trên chiếc Boeing có tầm bắn ngắn nên máy bay buộc phải tiến gần bệ phóng tên lửa và trở thành mục tiêu dễ dàng cho các chiến đấu cơ và hệ thống phòng không của đối phương. Bên cạnh đó, do sử dụng laser iodine ô xy hóa học khiến mỗi lần bắn xong, máy bay phải hạ cánh tiếp thêm nhiên liệu cho hệ thống phóng.
Vì những lý do trên, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates quyết định hủy bỏ chương trình vào năm 2011. “Thực tế cho thấy cần phải trang bị được chùm tia laser mạnh gấp 20 đến 30 lần so với laser hóa học trên máy bay để có thể bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách đáng kể”, ông Gates trình bày trong cuộc điều trần trước Hạ viện Mỹ khi đó. Chưa kể một khi đưa vào thực chiến, cần phải trang bị từ 10 đến 20 chiếc Boeing-747 được cải tiến đặc biệt, với giá 1,5 tỉ USD mỗi chiếc và chi phí hoạt động 100 triệu USD/năm. Máy bay cũng phải luôn được đặt trong vòng bảo vệ của chiến đấu cơ hộ tống, đi kèm theo máy bay tiếp liệu bám sát.
Tuy YAL-1 bị đình chỉ nhưng Lầu Năm Góc chưa bao giờ từ bỏ ý tưởng dùng laser đánh chặn tên lửa đạn đạo, nhất là khi Mỹ đang đối diện nguy cơ ngày càng tăng từ tên lửa Triều Tiên và có thể là cả Trung Quốc. MDA cho rằng công nghệ laser đã phát triển tới mức đủ để vượt qua những thách thức đã đánh gục chương trình Boeing YAL-1, đặc biệt là khi được gắn lên một thiết bị bay rẻ hơn nhiều so với chiếc Boeing 747. Dù sao thì máy bay này cũng đã bắn hạ thành công tên lửa, cho thấy triển vọng của vũ khí laser. Theo Aviation Week, MDA đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch vào năm 2020 và quân đội Mỹ hy vọng thế hệ vũ khí mới có thể thúc đẩy những thay đổi triệt để trong cách thức triển khai cuộc chiến trong tương lai.
80 năm vẫn bay tốt ?
Chiếc U-2 là một trong những máy bay phục vụ lâu nhất của quân đội Mỹ và từng được Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) triển khai do thám lãnh thổ nhiều nước trong thời Chiến tranh lạnh. Năm 1960, một chiếc U-2 khi bay qua không phận Liên Xô đã bị tên lửa đất đối không bắn rơi. Tháng 10.1962, máy bay U-2 đã chụp được ảnh Liên Xô bí mật triển khai tên lửa tại Cuba, mở đầu cho cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba này.
Hiện nay, phi đội 33 chiếc U-2 vẫn đang được triển khai trong các chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), theo tờ The Los Angeles Times. Do không có lính Mỹ trên mặt đất ở chiến trường Iraq và Syria, các chỉ huy phải phụ thuộc vào thông tin tình báo từ trên không hơn bao giờ hết. Vào thời điểm cần thiết luôn có 2 chiếc U-2 quần đảo trên các khu vực của IS để chụp ảnh sào huyệt, thu thập thông tin liên lạc của lực lượng này để chuyển cho liên quân do Mỹ dẫn đầu oanh kích.
Theo kế hoạch, U-2 sẽ chính thức về hưu từ năm 2018. Tuy nhiên, với chương trình vũ khí laser mới, nhiều khả năng máy bay sẽ tiếp tục phục vụ và sẽ ghi tên vào lịch sử ngành hàng không là loại máy bay hoạt động lâu đời nhất với 80 năm hoặc hơn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.