Mỹ thất bại trong việc trấn an G7 về 'Trumponomics'

14/05/2017 12:54 GMT+7

Châu Âu và Nhật Bản vẫn thể hiện rằng họ còn lo về bước chuyển trong chính sách kinh tế của Mỹ tại hội nghị G7 với sự góp mặt của giới chức 7 nền kinh tế lớn trên thế giới.

Theo Reuters, giới chức tài chính các nước thuộc G7 đang họp ở miền nam nước Ý và mong muốn nghe nhiều hơn về chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump (hay còn gọi là Trumponomics), điều làm họ e ngại sẽ khôi phục chủ nghĩa bảo hộ, đẩy lùi cách tiếp cận toàn cầu trong nhiều vấn đề, chẳng hạn như cải cách ngân hàng và giải quyết biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay Mỹ có quyền theo chủ nghĩa bảo hộ nếu nước này cho rằng thương mại không công bằng. “Chúng tôi không muốn là nước theo chủ nghĩa bảo hộ nhưng chúng tôi có quyền để theo chủ nghĩa bảo hộ nếu cho rằng thương mại đang không tự do, công bằng. Cách tiếp cận của chúng tôi là để thương mại công bằng hơn và mọi người đã được nghe điều đó”, ông Mnuchin nói với giới phóng viên sau cuộc họp kéo dài hai ngày của G7.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói thêm: “Như tôi đã nói, mọi người hiện đều thoải mái hơn khi họ có cơ hội để dành thời gian với tôi, lắng nghe Tổng thống và các thông điệp kinh tế của chúng tôi”.
Nhiều bộ trưởng tài chính các nước thuộc khối G7 thì cho hay họ không nghĩ như thế. Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin nói: “Tất cả sáu người khác đã nói rõ ràng, đôi khi rất trực tiếp, với các đại diện của chính phủ Mỹ rằng tinh thần hợp tác quốc tế rất cần được tiếp tục với cùng tinh thần như trước”.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết G7 có bớt lạc quan một chút về sự hồi phục của kinh tế toàn cầu sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp hậu khủng hoảng tài chính năm 2009. Song ông de Galhau cho hay sự thiếu chắc chắn liên tục về hướng đi của chính sách Mỹ đặt ra nguy cơ. Hôm 13.5, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cũng nói: “Chúng ta không nên quay lưng với tự do thương mại vì đây là yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng kinh tế”.
Giới chức châu Âu trong khối G7 còn cho hay không ai hiểu cách nước Mỹ nhìn nhận “thương mại công bằng”. Họ cho rằng cách duy nhất để thiết lập sự công bằng là tuân thủ quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây vốn là khuôn khổ đa phương cho thương mại.
Các quan chức châu Âu cũng cho biết nhu cầu cân bằng thương mại song phương của Mỹ không có lý về mặt kinh tế, vì thâm hụt hay thặng dư thương mại chỉ có thể được phân tích trong bối cảnh toàn cầu. Một quan chức tài chính cấp cao Nhật Bản thì cho biết việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh đến mức nào cũng là một điều thiếu chắc chắn, song câu hỏi lớn nhất là liệu đợt giảm thuế của Mỹ sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế vốn đang hồi phục của nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất cắt giảm thuế doanh nghiệp Mỹ, giảm thuế cho các công ty đa quốc gia đem tiền về nhà. Tuy nhiên, ông bỏ một đề xuất gây tranh cãi về “thuế điều chỉnh biên giới” đối với hàng nhập khẩu. Đây là loại thuế được đặt ra như là một cách để bù đắp nguồn thu mất đi vì hạ thuế doanh nghiệp.
Một số quan chức châu Âu cũng băn khoăn về kế hoạch thuế của Mỹ. Cao ủy châu Âu phụ trách quan hệ Kinh tế - Tài chính Pierre Moscovici nói: “Tôi không chắc rằng gói kích thích tài chính sẽ giúp ích nhiều cho một nền kinh tế vốn có tình hình thị trường lao động ổn định và vận hành tốt. Song chúng tôi tránh được một số cuộc thảo luận có thể gây tổn hại nhiều hơn, chẳng hạn như về thuế điều chỉnh biên giới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.