Máy bay tuần tra Mỹ thường xuất hiện ở biển Đông để theo dõi nhất cử nhất động của Trung Quốc trên các bãi đá trong khu vực.
Máy bay tuần tra hiện đại P-8A của Mỹ - Ảnh: US Navy
|
Theo tờ báo, máy bay Mỹ được trang bị máy quay, bộ cảm biến và hệ thống điện tử tiên tiến, liên tục bay từ căn cứ ở tỉnh Okinawa (Nhật Bản) ra biển Đông để tuần tra, săn tàu ngầm và ghi nhận quá trình những bãi đất khổng lồ “xuất hiện bất thình lình từ các bãi đá ngầm và bãi cát”.
“Chúng tôi ra ngoài, quan sát, nhìn và lắng nghe mọi thứ đang diễn ra. Và chúng tôi làm điều này đều đặn”, chỉ huy phi đội tuần tra Mike Parker tiết lộ với USA Today.
Trong 3 năm qua, phi đội này được trang bị thêm 4 máy bay, lên tổng cộng 16 chiếc, trong đó có loại máy bay trinh sát, săn ngầm hiện đại P-8 Poseidon. Cách đây hơn 2 tháng, Mỹ và Philippines cùng xác nhận chiếc P-8A đã thực hiện các chuyến tuần tra trên biển Đông xuất phát từ Philippines, theo Reuters. Hồi tháng 8.2014, Lầu Năm Góc loan báo một chiếc P-8A bị chiến đấu cơ Trung Quốc “quấy rối” khi đang thực hiện “sứ mệnh tuần tra thông thường” trên không phận quốc tế tại biển Đông.
Cũng theo USA Today, giới chức Mỹ theo dõi và lên tiếng cảnh báo kể từ khi Trung Quốc bắt đầu hoạt động bồi đắp phi pháp tại biển Đông hồi năm ngoái, tạo ra “những đảo nhân tạo với tốc độ gây ngạc nhiên”. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc đang diễn ra tại ít nhất 6 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), Trung Quốc còn xây cả đường băng có thể chứa loại máy bay quân sự lớn trên nhiều đảo, cùng nhiều cơ sở cảng, hàng chục tòa nhà nhiều tầng. “Điều gây lo sợ là những đảo mới này sẽ cung cấp căn cứ để Trung Quốc hạn chế lưu thông trên không hoặc đe dọa các tuyến hàng hải quan trọng”, USA Today viết.
Trong khi đó, tờ China Daily ngày 4.5 dẫn lời giới chuyên gia quân sự Trung Quốc tiếp tục ngụy biện rằng việc nước này “nỗ lực xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng trên các bãi đá” ở biển Đông sẽ cải thiện “khả năng tìm kiếm, cứu hộ trên biển” và “hỗ trợ các nước khác”. Vài ngày trước đó, Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi tuyên bố nước này hoan nghênh các tổ chức quốc tế, Mỹ và các nước khác sử dụng một số cơ sở phi pháp mà Bắc Kinh đang xây ở Trường Sa cho mục đích hợp tác tìm kiếm và cứu hộ nhân đạo khi “điều kiện chín muồi”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Việc xây dựng các cơ sở trên phần đất được bồi đắp trong những khu vực tranh chấp sẽ không đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực, cho dù, như vài quan chức Trung Quốc tuyên bố, các cơ sở đó được dùng cho mục đích ứng phó thảm họa dân sự”.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Philippines cũng chỉ trích lời chào mời của Trung Quốc là nỗ lực đánh lạc hướng trước làn sóng đả kích ngày càng tăng cao của cộng đồng quốc tế.
Bình luận (0)