Nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc đấu với Nga, Mỹ và các đồng minh đang tiến hành chiến dịch song song: ngăn linh kiện và công nghệ rơi vào tay Moscow, đồng thời giúp Kyiv trang bị vũ khí.
Cuộc chiến ngăn chặn chip rơi vào tay Nga
Tờ The New York Times ngày 18.4 đưa tin các quan chức của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tháng 3 đã trao đổi về việc các linh kiện và công nghệ do phương Tây sản xuất đang luồn qua các khe hở kiểm soát để đến tay Nga.
Cuộc chiến của Mỹ để cắt dòng chảy chip xử lý đến Nga
Theo đó, tài liệu từ các quan chức phương Tây cho biết họ ghi nhận sự gia tăng đột biến về số lượng chip và các linh kiện điện tử khác được bán sang Nga thông qua Armenia, Kazakhstan và các nước Trung Á khác.
Thông tin từ Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ cho biết vào năm 2022, Armenia đã nhập khẩu nhiều hơn 515% chip và bộ xử lý từ Mỹ và 212% từ EU so với năm 2021. Sau đó, nước này đã xuất khẩu 97% trong số đó các sản phẩm tương tự sang Nga.
Trong một tài liệu khác, Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ xác nhận 8 loại chip và linh kiện phương Tây cũng được tìm thấy trong hai mẫu tên lửa hành trình KH-101 và X-101 của Nga.
Trong khi đó, một cuộc điều tra của tờ Nikkei Asia cũng cho thấy Nga vẫn tiếp tục mua chip từ phương Tây một cách tinh vi hơn.
Công nghệ của phương Tây giúp Nga vận hành UAV hiệu quả ở Ukraine
Từ dữ liệu hải quan Nga từ ngày 24.2.2022 đến 31.12.2022 được công ty nghiên cứu Export Genius (Ấn Độ) thu thập, Nikkei Asia kết luận một lượng lớn các linh kiện Mỹ đã lọt vào tay Nga thông qua các thương nhân nhỏ ở Trung Quốc, bao gồm cả ở Hồng Kông.
Điều này chứng tỏ mục tiêu ngăn chặn công nghệ chảy vào Nga do Mỹ và châu Âu đặt ra đã không giành được thắng lợi rõ ràng. Nó cũng đi ngược lại các tuyên bố từ một số quan chức Mỹ, vốn lập luận rằng các biện pháp trừng phạt sâu rộng mà Washington cùng với 38 chính phủ khác áp đặt lên Moscow đã gây tổn hại nghiêm trọng đến năng lực quân sự của Nga.
Bà Sarah V. Stewart, thành viên Viện An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu áp đặt lên Nga đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng hiện có. Dù vậy, bà thừa nhận Nga "vẫn đang tiếp tục nhận được một lượng khá lớn" chip từ Mỹ.
Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn cũng cho biết họ đang hợp tác với chính phủ Mỹ và các bên khác để chống lại việc buôn bán bất hợp pháp chất bán dẫn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội, với khoảng 1.000 tỉ chip được bán trên toàn cầu mỗi năm, việc này "không đơn giản".
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 419 có diễn biến gì nóng?
Ông Alan Estevez, người giám sát các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ tại Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ, cho biết Nga đang thích nghi với các lệnh trừng phạt. "Chúng tôi đang thích ứng với sự thích nghi của họ", ông nói.
Phía Moscow chưa bình luận gì về những thông tin trên.
Vũ khí đổ về chiến trường Ukraine
Ngoài việc hạn chế chip, Mỹ và đồng minh cũng đang đẩy nhanh viện trợ quân sự để giúp Ukraine giành chiến thắng thực sự trên chiến trường.
Theo hãng tin AP, hiện phương Tây đang trang bị vũ khí để Ukraine sẵn sàng cho một cuộc phản công tiềm năng sắp tới. Bộ Quốc phòng Đức hôm 18.4 cho biết bên cạnh hệ thống tên lửa dẫn đường đất đối không Patriot, nước này cũng chuyển cho Ukraine một số xe tải và xe tuần tra biên giới. Đây là một phần trong gói viện trợ vũ khí sát thương trị giá 2,41 tỉ USD mà Đức cam kết với Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hôm 18.4 cũng cảnh báo đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảnh giác trước những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, theo hãng tin Reuters.
Ukraine cần xe bọc thép vận chuyển quân hơn là xe tăng?
Theo bà Sherrman, Mỹ đã theo dõi và lo ngại ông Putin sẽ sử dụng thứ mà ông ấy coi là vũ khí hạt nhân chiến thuật để leo thang xung đột ở Ukraine. "Điều rất quan trọng là phải luôn cảnh giác với điều này", bà nói.
Ông Putin phủ nhận các cáo buộc cho rằng Nga có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Trong khi đó, tờ The Washington Post dẫn thông tin tình báo được cho là bị rò rỉ của Mỹ cho biết Nga đang nhắm mục tiêu vào hệ thống vệ tinh Starlink mà tỉ phú Elon Musk đã cung cấp cho Ukraine nhằm ngăn các lực lượng của Kyiv truy cập internet.
Theo tài liệu The Washington Post có được, trong nhiều tháng qua, Nga đã thử nghiệm các hệ thống tác chiến điện tử Tobol của nước này nhằm phá vỡ đường truyền của Starlink ở Ukraine. Hiện Nga chưa lên tiếng về thông tin trên.
Starlink đã chứng tỏ tầm quan trọng đối với quân đội Ukraine, vốn dựa vào các thiết bị di động nhỏ để liên lạc trên chiến trường và chuyển tiếp thông tin tình báo. Trước đó, các lực lượng Nga đã thành công trong việc vô hiệu hóa khả năng sử dụng các thiết bị liên lạc khác của Ukraine, bao gồm radio và điện thoại di động.
Bình luận (0)