Mỹ thiếu hụt phi công trầm trọng

Khánh An
Khánh An
26/01/2019 09:01 GMT+7

Nhu cầu tăng vọt khiến nhiều hãng hàng không tranh nhau tuyển dụng các phi công lái máy bay quân sự với những chính sách hấp dẫn.

Sau khi máy bay của Hãng Colgan Air rơi tại thành phố Buffalo (bang New York, Mỹ) vào ngày 12.2.2009 do lỗi thao tác của phi công khiến tất cả 49 người thiệt mạng, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) bắt đầu siết lại quy định trong đào tạo. Kể từ năm 2013, phi công lái máy bay thương mại cần có ít nhất 1.500 giờ huấn luyện thay vì chỉ 250 giờ như trước. Học viên muốn trở thành phi công tại Mỹ hiện nay phải trả chi phí đào tạo lên đến hơn 100.000 USD (2,32 tỉ đồng)/người. Những yếu tố đó đang khiến các hãng đau đầu đối phó với việc thiếu hụt phi công, khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày một tăng.
Theo tạp chí Cedar Valley Business, tình trạng thiếu hụt phi công tại Mỹ được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn khi nhiều phi công sắp về hưu trong thời gian tới, dù FAA đã nâng tuổi hưu từ 60 lên 65 từ năm 2009. Cụ thể, số liệu của Hãng Boeing cho thấy khoảng 42% phi công tại các hãng hàng không lớn ở Mỹ sẽ đến tuổi hưu trong giai đoạn 2016 - 2026.
Nhu cầu tăng vọt khiến nhiều hãng đang chạy đua thu hút phi công từ lĩnh vực quân sự, do nhóm đối tượng này chỉ cần đào tạo bổ sung thay vì đào tạo từ đầu, theo Reuters. Ông Shaun Perez làm việc tại Hãng United Express (thuộc United Airlines) là một trong số hàng trăm phi công đã chuyển từ lĩnh vực quân sự sang dân sự. Trước đó, ông từng lái trực thăng chiến đấu Apache ở Afghanistan, thường xuyên bọc lót cho lực lượng đặc nhiệm trên mặt đất trong các cuộc chạm trán với các tay súng al-Qaeda. Mỗi ngày sau khi lái máy bay chiến đấu suốt 10 giờ, ông về lại căn cứ và bắt đầu tìm hiểu thông tin, trước khi tham gia phỏng vấn từ xa và được tuyển dụng vào năm 2017.
Để lái máy bay phản lực thương mại với nhiều động cơ, các phi công lái trực thăng cần trải qua khóa huấn luyện chuyển tiếp. Tuy nhiên, họ chỉ phải đáp ứng yêu cầu 750 giờ bay huấn luyện, thay vì gấp đôi như phi công mới. Khóa huấn luyện chủ yếu trên máy bay cánh quạt và kéo dài 90 ngày, với chi phí ít hơn hẳn so với đào tạo từ đầu. Khóa huấn luyện của ông Perez tốn 20.000 USD trong khi hãng tuyển dụng hỗ trợ đến 38.000 USD và ông được giữ lại phần thừa. Chỉ vài tháng sau khi rời cuộc chiến ở Afghanistan, Perez đã ung dung điều khiển các chuyến bay nội địa trên máy bay phản lực. “Dù phải trả 100.000 USD phí đào tạo, các bạn sẽ làm việc ở lĩnh vực mình biết chắc sẽ kiếm tiền bù lại được và nhiều hơn nữa”, ông chia sẻ.
[VIDEO] Hàng không Mỹ lo an toàn, an ninh vì chính phủ đóng cửa, nhân viên không được trả lương
Tình trạng thiếu hụt phi công còn khiến các hãng hàng không buộc phải tăng mạnh lương khởi điểm lên 54.000 USD (1,25 tỉ đồng)/năm vào năm ngoái, so với mức 21.000 USD ở thời điểm năm 2008. Theo khảo sát của Reuters, ít nhất 10 hãng hàng không nội địa Mỹ đang tranh nhau tuyển dụng phi công quân sự và còn đề nghị hỗ trợ đến 50.000 USD chi phí đào tạo bổ sung, chưa kể tiền thưởng khi ký hợp đồng. Hãng Envoy thuộc American Airlines cho biết hơn 25% trong số 701 phi công hãng tuyển dụng trong năm 2018 là phi công lái trực thăng quân sự. Hãng có kế hoạch thuê thêm 626 phi công trong năm nay và dự báo tỷ lệ phi công quân sự chuyển sang sẽ còn tăng.
Cần thêm 635.000 phi công
Tạp chí Cedar Valley Business dẫn số liệu của Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho thấy nước này có khoảng 827.000 phi công vào năm 1987. Tuy nhiên, số lượng đã giảm khoảng 30% sau hơn 3 thập niên qua. Nhu cầu phi công trên thế giới cũng trong tình trạng thiếu hụt tương tự. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), số hành khách hàng không dự kiến đạt mức kỷ lục 4,59 tỉ lượt vào năm 2019, tăng 6% so với năm ngoái. Đến năm 2037, số hành khách có thể đạt 8,2 tỉ lượt và để đáp ứng nhu cầu này, theo dự báo của Boeing, thế giới sẽ cần thêm ít nhất 635.000 phi công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.