Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ

Khánh An
Khánh An
03/06/2023 06:41 GMT+7

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về trần nợ công chỉ 4 ngày trước khi chính phủ nước này vỡ nợ.

Hãng Bloomberg ngày 2.6 đưa tin Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật về trần nợ công và việc hạn chế chi tiêu của chính phủ, chấm dứt nguy cơ vỡ nợ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đe dọa khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Có 63 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, chủ yếu gồm các nghị sĩ ôn hòa từ đảng Cộng hòa và Dân chủ, trong đó có những người vẫn còn băn khoăn về một số phần trong dự luật, nhưng cho rằng điều đó không đáng so với hậu quả nếu Mỹ vỡ nợ. Có 36 nghị sĩ bỏ phiếu chống.

Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ  - Ảnh 1.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer họp báo sau khi dự luật được thông qua tại Thượng viện

Reuters

Thỏa thuận quan trọng

Ngay sau khi dự luật vượt ải Thượng viện, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay ông sẽ ký ban hành trong thời gian sớm nhất.

"Không ai có được mọi thứ họ muốn trong một cuộc đàm phán, nhưng đừng nhầm lẫn: thỏa thuận lưỡng đảng này là một chiến thắng lớn cho nền kinh tế của chúng ta và người dân Mỹ", ông viết trên mạng xã hội.

Theo dự luật đạt được sau thời gian đàm phán căng thẳng tại lưỡng viện, chính phủ Mỹ được đình chỉ mức trần nợ công 31.400 tỉ USD trong 2 năm tính đến hết ngày 1.1.2025, đổi lại việc phải kiểm soát chi tiêu trong thời gian đó. Đài CNN dẫn thông tin từ các nghị sĩ Cộng hòa cho hay dự luật sẽ hủy bỏ khoản quỹ không bắt buộc trị giá 28 tỉ USD từ các gói cứu trợ mà quốc hội thông qua nhằm đối phó Covid-19. Tuy nhiên, 5 tỉ USD sẽ được giữ lại để tăng tốc phát triển vắc xin và phương pháp chữa Covid-19 cho những người không có bảo hiểm, theo một nguồn tin của Nhà Trắng.

Ngoài ra, gói này cũng sẽ thắt chặt các yêu cầu công việc hiện tại trong chương trình hỗ trợ tạm thời cho các gia đình khó khăn. Dự luật còn đề cập rằng những người vay sẽ bắt đầu trả nợ sinh viên từ khoảng cuối tháng 9, sau khi tạm hoãn kể từ đầu dịch Covid-19, bên cạnh các điều khoản khác.

Nhiều tác động

Chứng khoán châu Á ngày 2.6 tăng dựa trên phán đoán cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ vẫn giữ mức lãi suất sau khi Thượng viện thông qua dự luật. Theo Reuters, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI bên ngoài Nhật Bản tăng 2% và có xu hướng đạt mức tăng cao nhất kể từ đầu

tháng 1. Tâm trạng phấn khởi dường như tiếp diễn ở châu Âu, với hợp đồng tương lai Eurostoxx 50 tăng 0,45%, hợp đồng tương lai DAX của Đức tăng 0,49% và hợp đồng tương lai FTSE tăng 0,18%. Tại Trung Quốc, chỉ số SSEC tăng 0,76% còn chỉ số Hang Seng tăng 3,6%.

Dù đã kết thúc, căng thẳng trần nợ cũng ảnh hưởng về mặt chính trị đối với vị Tổng thống thuộc đảng Dân chủ, cũng như Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa. Theo Bloomberg, 2 người đều bị các nghị sĩ trong đảng của mình chỉ trích về việc nhượng bộ quá nhiều trong đàm phán. Freedom Caucus, nhóm chính trị thuộc đảng Cộng hòa tại Hạ viện, tăng cường chỉ trích ông McCarthy và sẽ họp vào tuần tới để thảo luận các bước tiếp theo, bao gồm nỗ lực lật đổ ông. Tuy nhiên, thỏa thuận đã ngăn chặn một biến động kinh tế có thể ảnh hưởng nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden, giúp củng cố danh tiếng của ông về cách làm việc thực tế và dung hòa những nhóm khác biệt trong đảng.

Trước một số lo ngại về hạn chế trong chi tiêu, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đưa ra thông điệp rằng cho dù dự luật có nội dung gì, Thượng viện sẽ tiếp tục chi tiền vượt mực nếu các thành viên thấy cần thiết. Theo Đài NBC, những vấn đề này có thể liên quan Ukraine, cạnh tranh với Trung Quốc, các ưu tiên quốc phòng, cũng như các vấn đề khẩn cấp quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.