Mỹ tính gửi cho Ukraine loại vũ khí mà nhiều đồng minh đã cấm

07/07/2023 09:40 GMT+7

Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch chuyển bom chùm cho Ukraine, bất chấp việc loại vũ khí này đã bị cấm bởi nhiều đồng minh của Washington.

Trong hơn 6 tháng, Tổng thống Biden và các quan chức chính quyền Mỹ đã đối mặt với một trong những câu hỏi hóc búa nhất liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine: Nên liều lĩnh để lực lượng Ukraine cạn kiệt đạn pháo mà họ rất cần cho nỗ lực đẩy lùi quân đội Nga, hay nên gửi cho Kyiv bom chùm, loại vũ khí bị nhiều quốc gia cấm vì có thể gây ra thương tích nghiêm trọng cho thường dân, đặc biệt là trẻ em, theo báo The New York Times (NYT).

Mỹ có kế hoạch gửi đạn chùm cho Ukraine

Giờ đây, chính quyền Biden dường như sắp cung cấp bom chùm cho Ukraine, bước đi có thể khiến ông đứng về một bên đối lập với nhiều đồng minh thân cận nhất của mình, những nước đã ký vào thỏa thuận cấm sử dụng, tàng trữ hoặc chuyển giao các loại vũ khí như vậy.

Ba quan chức Mỹ hôm 6.7 nói với Reuters rằng một gói viện trợ vũ khí của Mỹ cho Ukraine, bao gồm bom chùm được bắn bởi lựu pháo Howitzer 155 mm, dự kiến sẽ được công bố sớm nhất là vào ngày 7.7. Họ cũng cho biết việc này đã được xem xét nghiêm túc trong ít nhất một tuần.

Mỹ tính gửi cho Ukraine loại vũ khí mà nhiều đồng minh đã cấm - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

REUTERS

Theo các nguồn tin của NYT, một số thuộc cấp hàng đầu của ông Biden, bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, đã khuyến nghị tổng thống thực hiện động thái này trong cuộc họp của các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu vào tuần trước, dù chính họ cũng cảm thấy e dè.

Nhà Trắng cho hay việc gửi bom chùm tới Ukraine "đang được xem xét tích cực" nhưng không đưa ra thông báo nào, theo Reuters. Tổng thống Biden tuần tới sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lithuania, sự kiện gần như chắc chắn sẽ bị chi phối bởi cuộc chiến ở Ukraine.

Xem nhanh: Ngày 497 chiến dịch, Ukraine tiếc không thể phản công sớm; hé lộ vai trò CIA

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 6.7 đã kêu gọi Nga và Ukraine ngừng sử dụng bom chùm và kêu gọi Mỹ không cung cấp loại vũ khí này, Reuters tường thuật. Theo báo cáo của HRW, lực lượng của cả Nga và Ukraine đều đã sử dụng bom chùm khiến thường dân Ukraine thiệt mạng. Kyiv và Moscow chưa lập tức bình luận về báo cáo này.

Bom chùm thường giải phóng một số lượng lớn các quả "bom nhỏ" bên trong có thể giết chết người một cách vô tội vạ trên một khu vực rộng lớn, đe dọa tính mạng dân thường. Những quả bom nhỏ không phát nổ gây nguy hiểm trong nhiều năm sau khi xung đột kết thúc.

Năm 2008, 120 quốc gia đã ký vào một điều ước quốc tế cấm bom chùm trong thời hạn 15 năm, bao gồm hầu hết các đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Anh, Đức và Pháp. Trong khi đó, Mỹ, Nga và Ukraine chưa ký kết vì cho rằng có những tình huống loại vũ khí này phải được sử dụng.

Một đạo luật của Mỹ năm 2009 cấm nước này xuất khẩu bom chùm có tỷ lệ bom nhỏ không phát nổ cao hơn 1%, tức gần như toàn bộ kho dự trữ bom chùm của quân đội Mỹ. Tổng thống Biden có thể tạm thời không tuân thủ các lệnh cấm liên quan bom đạn như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng làm vào tháng 1.2021 khi cho phép xuất khẩu công nghệ bom chùm sang Hàn Quốc.

Ukraine đã kêu gọi các thành viên quốc hội Mỹ gây áp lực buộc chính quyền Biden chấp thuận gửi bom chùm, được biết đến với tên chính thức là "Đạn cải tiến thông thường có mục đích kép" (DPICM).

Theo Reuters, người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết chính quyền Biden đang xem xét gửi DPICM đến Ukraine, nhưng chỉ gửi loại có tỷ lệ bom nhỏ không phát nổ thấp hơn 2,35%. Quân đội Mỹ tin rằng bom chùm sẽ hữu ích cho Ukraine nhưng chúng vẫn chưa được phê duyệt để chuyển cho Kyiv vì những hạn chế của quốc hội Mỹ và lo ngại giữa các đồng minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.