Reuters ngày 25.10 dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sử dụng thẩm quyền của nhà lãnh đạo để lấy các hệ thống tên lửa HAWK từ kho của quân đội và chuyển giao cho Ukraine. Thẩm quyền này cho phép tổng thống chuyển giao trang thiết bị quốc phòng và dịch vụ trong kho của quân đội cho nước ngoài nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp mà không cần thông qua quốc hội.
Tên lửa phòng không HAWK (MIM-23) được phóng trong một cuộc tập trận tại Romania |
Lục quân mỹ |
HAWK là hệ thống tên lửa phòng không có từ thời chiến tranh Việt Nam nhưng sau đó đã được nâng cấp nhiều lần. Nếu được chuyển giao, hệ thống này sẽ là một sự nâng cấp so với tên lửa phòng không tầm ngắn vác vai Stinger mà Mỹ đã chuyển cho Ukraine.
Theo trang The Drive, HAWK còn có tên là MIM-23, được biên chế vào lục quân Mỹ vào năm 1959. Tên lửa đất đối không tầm trung này là phiên bản linh hoạt hơn loại MIM-14 Nike Hercules khi nó chấp nhận hy sinh tầm bắn để giảm kích thước và trọng lượng. Năm 1971, Raytheon thay thế hệ thống radar của tên lửa, bổ sung các tính năng và đầu đạn mới thành phiên bản I-HAWK. Từ năm 1978, các đơn vị của Mỹ chỉ sử dụng phiên bản cải tiến và đến năm 2002 thì I-HAWK chính thức ra khỏi biên chế dù chưa từng được quân đội Mỹ sử dụng thực chiến. Tuy nhiên, nhiều nước khác đã sử dụng hệ thống này và được cho là có mức độ thành công nhất định.
Mỹ tính gửi tên lửa phòng không thời chiến tranh Việt Nam cho Ukraine? |
Đặc điểm của I-HAWK khác nhau theo từng phiên bản nhưng bản cải tiến được phóng từ giàn phóng M192 có 2 bánh xe và được kéo bằng xe tải. Quả tên lửa được cho là có tầm bắn tối thiểu dưới 1,6 km và tối đa 35 km. Tên lửa có đầu đạn nổ văng mảnh, nặng khoảng 74 kg.
Xe tải kéo theo giàn phóng HAWK |
Los688/Wikimedia Commons |
Sau khi Nga thực hiện loạt tấn công bằng tên lửa vào Ukraine trong tháng này, Tổng thống Biden đã cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tiên tiến.
Hệ thống HAWK do hãng Raytheon chế tạo và là thế hệ trước của hệ thống phòng không Patriot, loại mà các quan chức Mỹ nói là vẫn nằm ngoài danh mục mà Mỹ có thể chuyển giao cho Ukraine.
Hiện chưa rõ Mỹ sẽ gửi bao nhiêu hệ thống HAWK và tên lửa cho Ukraine khi Nhà Trắng đã từ chối bình luận. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rằng Tây Ban Nha có ý định gửi 4 giàn phóng HAWK cho Ukraine.
Nga đang tăng cường sản xuất vũ khí |
Một quan chức Mỹ cho hay ban đầu nước này sẽ chỉ gửi tên lửa HAWK cho Ukraine vì chưa rõ tình trạng của các giàn phóng HAWK, đã ở trong kho của quân đội hàng chục năm.
Các quan chức nói rằng Mỹ dự kiến công bố gói viện trợ trong tuần này và sẽ có giá trị bằng phân nửa gói hỗ trợ 700 triệu USD gần đây. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn các tên lửa đánh chặn HAWK có nằm trong gói viện trợ sắp tới hay không.
Bình luận (0)