'Mỹ trì trệ vì người dân quá lười biếng'

18/04/2017 19:00 GMT+7

Nhà kinh tế Tyler Cowen vừa chỉ ra một loạt yếu tố cho thấy người Mỹ hiện quá lười biếng, trong khi dân nhập cư lại là những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro và ít khi tự mãn.

CNN trích nhận định của nhà kinh tế Cowen cho hay người Mỹ hiện nay không khởi động doanh nghiệp nhiều như trước, không đi nhiều như trước và cũng đang sống trong những khu phố chẳng tách biệt hơn mấy so với hồi thập niên 1960. Tất cả những yếu tố đó khiến nước Mỹ trì trệ về kinh tế lẫn chính trị.
Ông Cowen lập luận như trên trong cuốn sách mới Lớp học tự mãn: Lời tự vấn thất bại cho giấc mơ Mỹ. Tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới đang chậm hơn nhiều so với thập niên 1960, 1970 và 1980. Mức tăng năng suất thì giảm mạnh dù dân Mỹ vẫn cho hay họ làm việc rất chăm chỉ.
Tyler Cowen, cũng là Giáo sư Kinh tế tại Đại học George Mason, nói: “Đổi mới thì quá tệ. Đây là lý do vì sao chúng ta không làm nhiều hơn”. Cuốn sách của ông cho rằng tất cả những biến động thập niên 1960, 1970 khiến người dân nỗ lực phấn đấu cho sự an toàn lúc đó và những thập niên liền sau.
“Chỉ cần nhìn vào cách người ta nuôi dạy con cái ngày nay. Họ thường không để con trẻ ra ngoài chơi”, ông Cowen nói. Ngay cả công nghệ, một trong những lĩnh vực chứng kiến nhiều sự đổi mới trong những năm gần đây, cũng đặt mục đích giúp con người muốn ở nhà và nghỉ ngơi.
“Công nghệ là tuyệt vời và thú vị. Tôi có bốn gói hàng Amazon bên ngoài cửa nhà nhưng chúng ta gặp vấn đề về sự thú vị và thoải mái. Tất cả đổi mới về mặt công nghệ khuyến khích hoạt động giải trí và nghỉ ngơi tại gia”, ông Cowen cho biết.
Theo nhà kinh tế này, người Mỹ đang đi quá xa trong việc nỗ lực tạo ra cuộc sống hoàn hảo, cách ly bản thân và con cái họ. Nếu không nhận ra điều này, dân Mỹ vô tình tạo ra nhiều thế giới bong bóng mà họ sợ thay đổi. Sự phân biệt lan rộng cả về mặt chủng tộc lẫn tầng lớp. Ở miền nam, tỷ lệ học sinh da màu ở các trường tiểu học đạt mức cao nhất vào năm 1988 là 43,5% nhưng hiện nay, tỷ lệ chỉ là 23,2% - tương đương với ngưỡng những năm 1960.
Một số người cho rằng người nghèo sống ở ''Vành đai Gỉ sắt'' (các tiểu bang thuộc vùng tây bắc và trung tây Mỹ, có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp) là “tầng lớp tự mãn”, song ông Cowen lập luận toàn bộ dân Mỹ đều là một phần của tầng lớp này. Ông nêu vấn đề về giao thông và cơ sở hạ tầng dày đặc của Mỹ. Ngoài ra, nền kinh tế số một thế giới vẫn có ít thay đổi đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục khi nhiều sinh viên vẫn không đạt đến tiêu chuẩn cơ bản.
Ngay cả ở những thành phố công nghệ cao như Thung lũng Silicon, dân Mỹ cũng quay lưng với người không cùng trình độ học vấn và thu nhập. Đây là lý do vì sao quá nhiều người sốc sau khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy ông Donald Trump chiến thắng. Nhà kinh tế này cho rằng Tổng thống Trump sẽ là nỗi thất vọng lớn: “Đến nay, ông ấy vẫn chưa làm được bất cứ điều gì trong danh sách một loạt những điều ông nói sẽ thay đổi”.
Ông Cowen gọi sự kiện này là “đợt tái khởi động lớn”. Đàn ông Mỹ da trắng trong năm 2015 kiếm được ít tiền hơn so với năm 1969 sau khi điều chỉnh lạm phát. Theo giáo sư này, đây là “một trong những thực tế lớn nhất về nước Mỹ đương đại”. “Tôi cho rằng những người sống trong khu vực ''Vành đai Gỉ sắt'' thông minh hơn những người thuộc tầng lớp cao ở vùng ven biển. Họ nhìn thấy vấn đề khá rõ ràng”, ông Cowen nói.
Vậy làm cách nào để “tái khởi động” sự siêng năng của dân Mỹ? Theo dòng lịch sử, câu trả lời có thể là một sự kiện gây chấn động như chiến tranh hoặc thiên tai. Tuy nhiên, nước Mỹ cũng có khả năng tuyệt vời để tái tạo chính bản thân họ.
Giáo sư kinh tế khuyên người Mỹ nên nhận nhiều rủi ro hơn trong cuộc sống, trong cả sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Ông nói: “Nếu bạn đang nghĩ đến việc đổi việc làm, có lẽ bạn nên làm điều đó. Những người thay đổi thường có kết thúc hạnh phúc hơn những người không thay đổi”.
Để hiện thực hóa điều này, ông Cowen đang kêu gọi Tổng thống Mỹ và Quốc hội chi nhiều tiền hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Ông cho rằng nước Mỹ cần có thêm nhiều khoảnh khắc tương tự như sự kiện con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, hoặc tốt hơn là nhiều bước đột phá y khoa lớn. Ngoài ra, cải cách nhập cư cũng là chìa khóa. “Những người nhập cư là những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều nhất. Họ thuộc tầng lớp những người ít tự mãn nhất”, ông Cowen nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.