Mỹ - Triều thượng đỉnh, Trung Quốc được gì?

14/06/2018 19:30 GMT+7

Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được cho là tin tốt đẹp cho Trung Quốc, là bên dù vắng mặt nhưng vẫn đóng vai trò then chốt.

Các chuyên gia nhận định Trung Quốc - đồng minh lâu năm của Triều Tiên - trở thành quốc gia hưởng lợi sau khi Tổng thống Trump đưa ra cam kết ngừng tập trận chung với Seoul và nêu khả năng rút quân khỏi Hàn Quốc, theo AP. Bắc Kinh lâu nay không muốn Mỹ hiện diện quân sự ở Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều lần yêu cầu Washington ngừng tập trận chung với Seoul. Triều Tiên lên án những cuộc tập trận chung là diễn tập chiến tranh xâm lược và yêu cầu hai bên chấm dứt để đổi lại Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
“Trung Quốc không muốn có sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á. Rõ ràng sau thượng đỉnh Mỹ-Triều, Bắc Kinh đang dần dần đạt được mục tiêu này mà không mất mát gì”, chuyên gia Ryan Hass, từng là cố vấn thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.
Mặc dù im hơi lặng tiếng nhưng Trung Quốc cung cấp máy bay Boeing 747 của hãng Air China để đưa lãnh đạo Kim đến dự thượng đỉnh Singapore ngày 12.6. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi hai bên nên tổ chức thượng đỉnh sau khi Washington, Bình Nhưỡng dọa hủy, rồi cuối cùng nối lại đàm phán. Động thái này cho thấy Bắc Kinh muốn thể hiện Trung Quốc vẫn còn sức ảnh hưởng đối với Triều Tiên.
Các chuyên gia dự đoán lãnh đạo Kim sẽ gặp gỡ với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau thượng đỉnh Singapore. Khi đó, chủ tịch Tập sẽ đề cập đến việc Trung Quốc sẵn sàng giúp Triều Tiên phát triển kinh tế. Bất chấp những căng thẳng giữa hai bên, chủ tịch Tập và lãnh đạo Kim đã có hai lần gặp gỡ kể từ tháng 4, trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh AFP
Trung Quốc, từng tham gia chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, muốn giữ một Triều Tiên độc lập, ổn định như một vùng đệm với Hàn Quốc và hàng ngàn lính Mỹ đồn trú tại đây. Bắc Kinh cũng kỳ vọng thuyết phục Seoul loại bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ vì xem đây là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Chính vì thế, Trung Quốc vẫn luôn duy trì vị thế đồng minh duy nhất của Triều Tiên và là nguồn cung cấp năng lượng, viện trợ và thương mại chính. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, quan hệ hai bên trở nên căng thẳng do Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc, ngừng xuất khẩu than cho Triều Tiên. Bình Nhưỡng hồi năm 2017 cũng từng phóng tên lửa vào những thời điểm "nhạy cảm", trùng vào ngày tổ chức những cuộc gặp thượng đỉnh quốc tế ở Trung Quốc.
Ông Paul Haenle, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng Bắc Kinh biết rõ Bình Nhưỡng có cố giữ khoảng cách để giảm bớt sức ảnh hưởng từ láng giềng. Dù vậy, sự phụ thuộc và tin tưởng mà Triều Tiên dành cho Trung Quốc khá lớn nên khó có thể xoay chiều, theo các chuyên gia. “Dùng máy bay Air China để đến Singapore cho thấy Triều Tiên vẫn còn tin tưởng Trung Quốc hơn là Mỹ và Hàn Quốc”, học giả Thành Hiểu Hà thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận định. Theo ông Thành, Triều Tiên cần Trung Quốc hỗ trợ nếu muốn cải tổ nền kinh tế
Ngay sau thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, Trung Quốc đề xuất dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Điều này cho thấy Bắc Kinh sẽ sớm vận động hành lang để Triều Tiên được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nhưng với điều kiện Bình Nhưỡng phải đóng băng chương trình hạt nhân, theo chuyên gia Thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.