Mỹ trong bài toán hậu thuẫn Israel giữa xung đột

20/10/2023 06:15 GMT+7

Một lần nữa, Mỹ đang thể hiện sự hậu thuẫn mạnh mẽ dành cho Israel trong bối cảnh nước này xung đột căng thẳng với lực lượng Hamas.

Hỗ trợ nhiều mặt

Tờ The New York Times đưa tin dự kiến ngày 19.10 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu quan trọng liên quan tình hình xung đột Hamas - Israel và cuộc xung đột ở Ukraine. Theo đó, Tổng thống Biden dự kiến sẽ thông báo về kế hoạch hỗ trợ mới dành cho một số đồng minh, đối tác. Trong kế hoạch này, Nhà Trắng dự kiến sẽ đề nghị Quốc hội phê duyệt khoảng 100 tỉ USD trong nguồn quỹ khẩn cấp để trang bị vũ khí cho Israel, Ukraine và Đài Loan cũng như củng cố biên giới Mỹ - Mexico.

Mỹ trong bài toán hậu thuẫn Israel giữa xung đột - Ảnh 1.

Quân đội Israel triển khai gần biên giới với Li Băng

Reuters

Đó được xem là nỗ lực mới của Washington nhằm hỗ trợ cho Tel Aviv giữa lúc Israel đang xung đột căng thẳng với lực lượng Hamas.

Những ngày qua, Mỹ điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald Ford đến Địa Trung Hải. Không những vậy, nhóm tác chiến tàu sân bay thứ 2 là USS Dwight D. Eisenhower cũng đang trên đường đến vùng biển trên. Kèm theo đó, khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ được Lầu Năm Góc đặt trong tình trạng báo động cao về khả năng huy động.

Điểm xung đột: Ông Biden nói gì tại Israel? Vi sao Ukraine nhận tên lửa ATACMS phiên bản cũ?

Các động thái tăng cường quân sự của Mỹ đến Địa Trung Hải được xem là sự thể hiện mạnh mẽ dành cho Israel, qua đó răn đe một số lực lượng trong khu vực. Cụ thể, Washington thông tin mục đích của những động thái trên là nhằm cảnh báo lực lượng Hezbollah ở Li Băng và các lực lượng ủy nhiệm khác không trực tiếp can dự vào xung đột Hamas - Israel. Không những vậy, Bloomberg còn dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Washington đã thông qua một số bên để gửi thông điệp đến Iran rằng Mỹ nghiêm túc về việc sử dụng vũ lực nếu cần thiết.

Tất cả thể hiện sự cam kết của Washington về việc hậu thuẫn cho Tel Aviv. Suốt những năm qua, Israel được xem là nước thường xuyên nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ, và từ năm 2005 đến nay con số viện trợ đã lên đến 64,8 tỉ USD.

Chọn lựa và thách thức Washington

Nhận định khi trả lời Thanh Niên ngày 19.10, một chuyên gia là cựu đại tá tình báo quốc phòng Mỹ, từng đứng đầu một đơn vị tình báo quốc phòng NATO, cho rằng: "Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ Israel - một đồng minh lâu năm. Sau khi Hamas tấn công vào ngày 7.10, Israel đã tuyên chiến. Nếu Washington không hỗ trợ một đồng minh thân cận như Tel Aviv trong một cuộc chiến được tuyên bố, thì các đồng minh khác sẽ tự hỏi liệu Mỹ có đến trợ giúp họ nếu bị tấn công hay không. Điều đó sẽ làm suy yếu các liên minh và quan hệ đối tác an ninh quốc tế của Mỹ".

Đánh giá về những vũ khí mà Washington có thể gửi cho Tel Aviv, vị chuyên gia nhận định: "Mỹ thường cung cấp đạn pháo và đạn xe tăng, tên lửa không đối không và đất đối không cũng như phụ tùng máy bay. Nếu cần thiết, Washington cũng có thể cung cấp máy bay thay thế cho máy bay chiến đấu của Israel bị phá hủy khi tham chiến".

Ông nhấn mạnh: Mỹ chưa bao giờ điều quân hỗ trợ Israel trên chiến trường vì Tel Aviv cũng chưa bao giờ yêu cầu điều đó. Nếu quân đội Mỹ hiện diện, theo ông thì có thể là lính thủy đánh bộ để sơ tán công dân nước này rời khỏi Dải Gaza hoặc Israel.

Ông cũng lo ngại: "Mỹ vẫn có thể hỗ trợ đồng thời cho Israel và Ukraine, nhưng điều này sẽ rất tốn kém và gây áp lực lên ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Thông thường, muốn tăng cường sản lượng ở mức đáng kể thì ngành công nghiệp quốc phòng phải mất một năm để chuẩn bị do cần mở rộng nhà xưởng, bổ sung máy móc và tuyển dụng, đào tạo thêm nhân lực".

Mỹ trong bài toán hậu thuẫn Israel giữa xung đột - Ảnh 2.

Viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Israel từ năm 2005

Nguồn: Tổng hợp

Chính vì thế, việc Nhà Trắng đề xuất gói hỗ trợ đến 100 tỉ USD cho cả Ukraine, Israel lẫn Đài Loan cho thấy Mỹ đang thể hiện sự sẵn sàng giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc.

Mỹ - Ai Cập đạt thỏa thuận mở cửa khẩu Rafah

Sau cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi ngày 19.10 đã đồng ý mở lại cửa khẩu Rafah, lối thoát duy nhất ở Gaza không do Israel kiểm soát, nhằm tạo điều kiện để người Palestine tiếp cận viện trợ từ bên ngoài. Theo Reuters, Ai Cập đang phối hợp với Liên Hiệp Quốc để đảm bảo các hoạt động nhân đạo diễn ra một cách bền vững.

Dự kiến, Rafah sẽ được mở lại trong vài ngày tới. Theo đó, khoảng 20 xe tải chở hàng viện trợ sẽ đi qua đây, nhằm giảm thiểu phần nào cuộc khủng hoảng nhân đạo, vốn đang đe dọa tính mạng của 2,3 triệu người bị kẹt trong khu vực.

Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu xác nhận Israel sẽ cho phép thực phẩm, nước và thuốc men đến miền nam Gaza thông qua cửa khẩu của Ai Cập. Tuy nhiên, ông Mark Negev, cố vấn của ông Netanyahu, nói với Đài CNN rằng việc này chỉ diễn ra sau khi Hamas thả khoảng 200 người Israel mà lực lượng này bắt làm con tin.

Trong diễn biến khác, tình báo Mỹ xác định Israel không liên quan vụ nổ tại một bệnh viện ở Gaza hôm 17.10. 

Kết luận được đưa ra dựa trên phân tích hoạt động của tên lửa cũng như video và hình ảnh được chụp từ trên cao. Phía Israel sau đó cũng công bố đoạn ghi âm "bằng chứng" cho thấy Hamas đang thảo luận về vụ nổ và cáo buộc nhóm này là chủ mưu. Hamas bác toàn bộ cáo buộc, và tuyên bố sẽ sớm chứng minh Israel mới là thủ phạm.

Khánh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.