Hôm qua (5.2, theo giờ VN), truyền thông Mỹ đưa tin nước này đã điều chiến đấu cơ F-22 bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc trên bầu trời khu vực ngoài khơi cách bang Nam Carolina (Mỹ) khoảng 6 hải lý vào trưa 4.2 (theo giờ địa phương). Một đoạn phim đã ghi lại cảnh chiến đấu cơ phóng tên lửa phá hủy khinh khí cầu.
Phản ứng sau vụ việc, Reuters dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cực lực phản đối và bày tỏ sự không hài lòng về việc Mỹ dùng vũ lực tấn công khinh khí cầu, đồng thời cáo buộc Washington "rõ ràng phản ứng thái quá và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế". Bắc Kinh còn nhấn mạnh sẽ "bảo lưu quyền đưa ra các phản ứng cần thiết hơn nữa".
Thông điệp của Washington
Những ngày qua, việc khinh khí cầu của Trung Quốc bị phát hiện tại nhiều khu vực nhạy cảm về quân sự của Mỹ đã khiến quan hệ 2 nước thêm căng thẳng. Washington cáo buộc các khinh khí cầu trên mang sứ mệnh do thám, trong khi Bắc Kinh thừa nhận các khinh khí cầu trên của Trung Quốc nhưng việc xuất hiện tại Mỹ là do "lạc quỹ đạo" vì bị ảnh hưởng thời tiết. Liên quan vụ việc, Washington đã hủy chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Bắc Kinh.
Cùng ngày 4.2, Lầu Năm Góc thông báo phát hiện khinh khí cầu thứ 2 của Trung Quốc, lần này trên bầu trời Mỹ Latin.
Trả lời Thanh Niên ngày 5.2, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: "Thông điệp của Mỹ là bắn hạ những đối tượng xâm nhập. Theo tôi, việc đến hôm qua mới bắn hạ là quá lâu. Lẽ ra, quân đội nên bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc ngay trên bầu trời Alaska và chậm lắm thì lẽ ra phải bắn khi khinh khí cầu này bay qua Montana. Bởi cả Alaska lẫn Montana đều là những bang có dân cư thưa thớt nhất nước Mỹ, nên việc bắn hạ khinh khí cầu sẽ giúp giảm thiểu rủi ro".
Mỹ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối
Còn PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công - Trường Khoa học xã hội - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) thì cho rằng: "Từ quan điểm của Washington, khinh khí cầu của Trung Quốc đã xâm phạm không phận của Mỹ nên Mỹ có quyền bắn hạ nó. Mỹ bắn hạ khinh khí cầu vì an ninh quốc gia và như một tín hiệu rằng nước này luôn giữ vững lập trường liên quan an ninh và chủ quyền quốc gia. Và việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến công du Trung Quốc do vụ khinh khí cầu là một phần của lập trường vững chắc vừa nêu".
Căng thẳng khó hàn gắn
Cũng trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận xét: "Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất về địa chính trị. Trước khinh khí cầu bị nghi là do thám của Trung Quốc, Mỹ đã có phản ứng mạnh mẽ nhằm thể hiện trước phe Cộng hòa rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden không tỏ ra yếu thế".
"Trong khi đó, về phía Trung Quốc thì chính quyền đương nhiệm không thể đưa ra lời xin lỗi chân thành vụ khinh khí cầu nếu mâu thuẫn với chủ nghĩa dân tộc ở nước này - vốn đang được Bắc Kinh xây dựng để gắn kết nội bộ và giải quyết các mâu thuẫn bên trong", PGS Nagy phân tích thêm.
Tương tự, PGS Koga nhận định: "Trung Quốc khó có khả năng thực thi ý đồ chính trị nào trong vụ việc trên, vì thực tế nước này đang tìm kiếm cơ hội để cải thiện quan hệ với Mỹ. Trung Quốc đã ra tuyên bố phản ứng việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu, đồng thời còn tuyên bố sẽ "bảo lưu quyền đưa ra các phản ứng cần thiết hơn nữa". Nhưng có lẽ, mức độ phản ứng của Bắc Kinh chỉ dừng lại ở động thái ngoại giao nhất định mà không leo thang căng thẳng thêm nữa.
Khí cầu gián điệp - vì sao vẫn được sử dụng trong thời đại tên lửa?
Qua vụ việc trên, PGS Nagy nhận xét: "Diễn biến khinh khí cầu bị bắn hạ cho thấy cả 2 bên không còn không gian chính trị nội bộ để theo đuổi mối quan hệ ổn định hơn với nhau. Mỹ và Trung Quốc cần xây dựng các lối đi ngoại giao để đối thoại về các sự cố tương tự".
PGS Stephen Robert Nagy
Bình luận (0)