Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng bày tỏ quan ngại sau các thông tin về việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, trong đó có hoạt động thăm dò và khai thác từ lâu nay của Việt Nam.
“Các hành động khiêu khích lặp lại của Trung Quốc nhằm vào sự khai thác dầu khí của các quốc gia khác đe dọa an ninh năng lượng khu vực và ảnh hưởng đến thị trường năng lượng tự do và rộng mở ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
“Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng ép và dọa dẫm bởi bất cứ bên nào nhằm khẳng định tuyên bố về chủ quyền và hàng hải. Trung Quốc nên dừng các hành vi bắt nạt và kiềm chế không thực hiện kiểu hành động khiêu khích và gây bất ổn”, thông cáo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng áp lực gia tăng của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các nước ASEAN hợp tác với bên thứ 3 cho thấy ý đồ của nước này nhằm ngang nhiên khẳng định sự kiểm soát dầu khí ở Biển Đông.
“Việc bồi đắp và quân sự hóa các tiền đồn gây tranh cãi ở Biển Đông, bao gồm việc sử dụng lực lượng bán quân sự nhằm đe dọa, cưỡng ép và dọa dẫm các nước khác đã ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trong khu vực”, theo thông cáo.
Thông cáo được đưa ra giữa lúc tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Từ ngày 12.7, báo chí quốc tế đã đưa tin về sự xuất hiện của tàu khảo sát Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Một số tờ báo dẫn thông tin từ ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Đại học Hải chiến Mỹ cho biết vào thứ tư tuần trước đó (tức ngày 3.7), tàu khảo sát Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa chất 8) cùng với 2 tàu hộ tống số hiệu 3901 (12.000 tấn, có vũ trang) và 37111 (2.200 tấn), đã vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.
Lập tức, lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển cũng đã có mặt tại đây để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam được quy định rõ trong luật pháp quốc tế. Nhiều nhà quan sát quốc tế vẫn theo dõi sát diễn biến của nhóm tàu Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam và thông tin về sự xuất hiện của một số tàu hải quân khác của nước này tại khu vực trên. Cho đến ngày 19.7, các tàu của Trung Quốc đã vi phạm vùng thềm lục địa của Việt Nam liên tiếp 17 ngày.
Tối 19.7, trả lời câu hỏi đề nghị bình luận về vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của LHQ về luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Theo bà Hằng, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, đến nay, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Trước đó, đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cũng chỉ trích gay gắt các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, theo tờ South China Morning Post.
Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen ở bang Colorada (Mỹ), đô đốc Davidson nêu ra việc quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm việc Bắc Kinh phóng 6 tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông.
Đô đốc Mỹ cũng chỉ trích tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6.
Trước đó vài ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2015 là không quân sự hóa Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Washington cực lực phản đối ý đồ của Bắc Kinh nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp ở khu vực.
“Việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông đi ngược lại cam kết năm 2015 của Chủ tịch Tập là không tiến hành những hoạt động như thế. Đó là hành động khiêu khích, làm phức tạp quá trình giải quyết hòa bình các tranh chấp, đe dọa an ninh của những quốc gia khác và làm tổn hại an ninh khu vực”, bà Ortagus cảnh báo.
Bình luận (0)