Tờ South China Morning Post ngày 4.10 đưa tin Mỹ và Trung Quốc dường như đang chạy đua để quyết định giờ mặt trăng, bên nào thắng sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử khám phá không gian và thiết lập tiêu chuẩn mới cho các sứ mệnh trên mặt trăng sau này.
Mỹ và các đối tác trong lĩnh vực không gian đang cố gắng thiết lập một múi giờ đặc biệt cho mặt trăng. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga vẫn nằm ngoài sáng kiến do Mỹ dẫn đầu, khiến Bắc Kinh phải tìm cách xác định hệ thống định vị và tính giờ mặt trăng riêng.
Theo chỉ đạo của Nhà Trắng, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang đi đầu trong việc tạo ra chuẩn giờ mới là giờ phối hợp mặt trăng (LTC) để hỗ trợ hoạt động thám hiểm an toàn và bền vững, khi ngày càng nhiều quốc gia và công ty tư nhân lên kế hoạch thực hiện các sứ mệnh lên mặt trăng.
Mặt trăng 'lạnh lẽo' hơn vì đại dịch Covid-19?
Hệ thống thời gian được đề xuất sẽ được các bên ký kết Hiệp định Artemis do Mỹ dẫn đầu thông qua và được dự định sẽ đóng vai trò là "tiêu chuẩn quốc tế", theo bản ghi nhớ từ Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ Nhà Trắng ban hành vào tháng 4.
"Nhận biết về thời gian là nền tảng cho khám phá khoa học, phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế tạo thành cơ sở cho sự lãnh đạo của Mỹ trong không gian", theo bản ghi nhớ.
Hiệp ước Artemis được 43 bên ký kết nhưng trong đó không có 2 cường quốc không gian khác là Nga và Trung Quốc. Thay vào đó, 2 nước này đang dẫn đầu một nỗ lực song song được gọi là Trạm Nghiên cứu mặt trăng quốc tế, nhằm xây dựng căn cứ thường trực tại cực nam của mặt trăng trước năm 2035.
Trung Quốc có kế hoạch riêng để thiết lập hệ thống định vị và tính thời gian cho mặt trăng. Chuyên gia nghiên cứu chính sách không gian Namrata Goswami tại Đại học bang Arizona (Mỹ) lưu ý rằng Trung Quốc đã công bố kế hoạch thiết lập múi giờ cho mặt trăng, phát triển năng lực liên lạc và internet phối hợp trên mặt trăng vào năm 2028.
Vào tháng 6, một nhóm từ Viện Kỹ thuật hệ thống tàu vũ trụ Bắc Kinh đề xuất phóng một mạng lưới gồm 21 vệ tinh quanh mặt trăng để cung cấp dịch vụ định vị thời gian thực, độ chính xác cao nhằm hỗ trợ tham vọng khám phá mặt trăng của Trung Quốc.
Mặt trăng hiện không có hệ thống thời gian thống nhất, với mỗi nhiệm vụ sử dụng thang thời gian riêng được liên kết với giờ phối hợp quốc tế (UTC) của trái đất. Mặc dù phương pháp này có hiệu quả đối với các nhiệm vụ độc lập, nhưng có thể trở thành vấn đề khi nhiều tàu vũ trụ cần hợp tác.
Đồng hồ trên trái đất và mặt trăng cũng có tốc độ khác nhau do trường hấp dẫn khác nhau. Theo NASA, đồng hồ nguyên tử trên bề mặt mặt trăng dự kiến sẽ nhanh hơn 56 micro giây mỗi ngày so với đồng hồ trên trái đất.
Mặc dù sự khác biệt có vẻ nhỏ, nhưng việc giữ giờ chính xác là rất quan trọng đối với việc đồng bộ hóa các sứ mệnh không gian.
Bình luận (0)