Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao lần đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 14.5, các quan chức Mỹ cho biết. "Đây là cuộc họp đầu tiên thuộc loại này. Vì vậy, chúng tôi dự kiến sẽ có một cuộc thảo luận về các rủi ro, nhưng sẽ không đưa ra thông báo về chi tiết cụ thể nào vào thời điểm này", theo Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ.
Cuộc họp dự kiến có sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc. Giám đốc cao cấp Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Tarun Chhabra và Phó đặc phái viên về công nghệ quan trọng và mới nổi Center Seth, sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ.
Trong cuộc họp, cả hai bên được cho là sẽ giải thích về cách tiếp cận thị trường nội địa mỗi nước để giải quyết các rủi ro, thiết lập các tiêu chuẩn và nguyên tắc về an toàn AI, cũng như trao đổi quan điểm về quản trị quốc tế.
Các nhà quan sát nhận định Mỹ và Trung Quốc có những ưu tiên khác nhau trong cuộc đối thoại song phương về AI. Cụ thể, "đối với Washington, trọng tâm chính là quản lý việc phát triển các mô hình AI tiên tiến, đặc biệt là những mô hình có tính rủi ro cao, còn Bắc Kinh muốn đối thoại song phương tập trung vào hợp tác phát triển AI", theo Viện Nghiên cứu Trung-Mỹ (ICAS-Mỹ).
Tỉ phú Musk thất vọng với AI trong lĩnh vực nào?
Một quan chức Mỹ giấu tên khác cho biết: "Chúng tôi chắc chắn không đồng quan điểm về nhiều chủ đề và ứng dụng AI, nhưng chúng tôi tin rằng việc trao đổi thông tin về những rủi ro nghiêm trọng của AI có thể giúp thế giới an toàn hơn".
Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Đồng Triệu, thành viên tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (trụ sở tại Mỹ), cho rằng động lực chính để Trung Quốc tham gia cuộc đối thoại với Mỹ về AI là họ có thể bày tỏ quan điểm và tạo ảnh hưởng thông qua cuộc thảo luận. Động cơ khác "là để thể hiện hình ảnh Trung Quốc như một cường quốc có trách nhiệm, sẵn sàng đóng vai trò tiên phong trong các lĩnh vực quản trị quốc tế quan trọng", ông Triệu nhận định.
Bình luận (0)