Thông tin trên do báo Mỹ The Wall Street Journal đưa ra hôm qua. Cùng ngày, hãng thông tấn CTK của CH Czech dẫn lời Thủ tướng Jan Fischer nói rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo với ông rằng Washington sẽ gác lại kế hoạch gây tranh cãi.
Không lâu sau khi lên cầm quyền hồi đầu năm nay, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh xem xét lại hệ thống phòng thủ tên lửa do chính phủ của người tiền nhiệm George W.Bush đề xuất và nỗ lực xây dựng. Hồi tháng 8.2008, chính quyền Bush đã ký thỏa thuận với Ba Lan về việc đặt 10 tên lửa đánh chặn tại một căn cứ gần biển Baltic, và với Cộng hòa Czech về việc xây dựng một trạm radar trên lãnh thổ nước này. Theo tính toán, hệ thống trên sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2012.
Theo quan điểm của chính quyền Bush, kế hoạch lập lá chắn tên lửa ở Đông u là nhằm bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi hiểm họa tên lửa từ Iran và CHDCND Triều Tiên. Nhưng nay, theo báo The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức và cựu quan chức tại Washington, “Mỹ sẽ đưa ra quyết định dựa trên một sự xác nhận rằng chương trình tên lửa tầm xa của Iran không tiến triển nhanh như dự đoán trước đây, vì thế mối đe dọa đối với lục địa Mỹ và các thủ đô châu u đã giảm”. Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, hiện đang ở thăm Iraq, đã từ chối bình luận về thông tin trên, theo hãng tin Reuters.
Iran trước nay khẳng định tên lửa của họ chỉ nhằm các mục đích khoa học, giám sát và phòng thủ, nhưng có những lo ngại ở phương Tây và các nước láng giềng của Iran rằng tên lửa của họ có thể mang vũ khí hạt nhân. Trong nỗ lực dài hạn nhằm giải quyết vấn đề, Iran sẽ tổ chức các cuộc đối thoại về chương trình hạt nhân của nước này với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức vào ngày 1.10. Theo The Wall Street Journal, Washington được dự đoán “sẽ để ngỏ khả năng khởi động lại hệ thống phòng thủ ở Ba Lan và CH Czech nếu Iran đạt được tiến bộ về tên lửa tầm xa trong tương lai”.
Nga cho rằng kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ là mối đe dọa trực tiếp đối với nước này, dù Mỹ cam đoan nó chỉ nhằm đối phó với những nước thù địch như Iran. Hồi tháng 11.2008, Nga đã chuyển các tên lửa đạn đạo tới Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa Lithuania và Ba Lan, nhằm “vô hiệu hóa, nếu cần thiết, hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ”, như tuyên bố do Tổng thống Dmitry Medvedev đưa ra vào thời điểm đó. Nếu Mỹ thật sự ngừng kế hoạch lá chắn tên lửa, động thái đó sẽ làm hài lòng Điện Kremlin nhưng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh Đông u.
Báo The New York Times hôm 29.8 đưa tin Chính phủ Mỹ đã phát triển các kế hoạch thay thế cho lá chắn tên lửa. Theo tờ báo này, giới chức chính quyền Obama cho biết họ hy vọng kịp hoàn tất việc xem xét lại kế hoạch lá chắn tên lửa trước khi ông Obama trình bày các ý tưởng mới với người đồng cấp Medvedev tại một cuộc gặp ở New York vào tuần tới bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông muốn có quan hệ tốt hơn với Nga để hai cường quốc có thể hợp tác trong các nỗ lực chống Taliban ở Aghanistan và cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân.
Trùng Quang
Bình luận (0)