Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận đã tuyên truyền tại Philippines nhằm khiến mọi người đánh giá thấp vắc xin Sinovac của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19, theo Reuters dẫn tài liệu được một cựu quan chức cấp cao trong chính phủ Philippines mới đây đề cập.
Phản ứng của Mỹ tại Philippines được nêu bởi ông Harry Roque, người từng là phát ngôn viên của cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Tài liệu đề ngày 25.6 chưa từng được công khai bởi chính phủ 2 nước, được một nguồn tin xác nhận với Reuters.
"Đúng là (Bộ Quốc phòng Mỹ) đã gửi thông điệp đến Philippines đặt câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của Sinovac", theo tài liệu trong đó đề cập thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ gửi đến Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Philippines.
Theo tài liệu, Lầu Năm Góc còn thừa nhận rằng họ đã "mắc một số sai lầm trong thông điệp liên quan Covid-19", nhưng đảm bảo với Philippines rằng quân đội "đã cải thiện đáng kể khả năng giám sát và trách nhiệm giải trình của các hoạt động thông tin" kể từ năm 2022.
Vào hôm 14.6, một phóng sự điều tra của hãng tin Reuters cho thấy Lầu Năm Góc tiến hành một chiến dịch tâm lý bí mật nhằm làm mất uy tín các loại vắc xin và hỗ trợ y tế của Trung Quốc trong năm 2020 và 2021, thời cao điểm của đại dịch.
Sau phóng sự điều tra trên, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines tiến hành điều trần về vấn đề này và đề nghị Mỹ phản hồi.
Theo tài liệu ngày 25.6, giới chức Lầu Năm Góc kết luận rằng chiến dịch tuyên truyền chống vắc xin đó "không phù hợp với những ưu tiên của chúng tôi". Tài liệu cho biết quân đội Mỹ nói với giới chức Philippines rằng họ đã "ngừng truyền thông điệp liên quan về nguồn gốc Covid-19 và vắc xin Covid-19 vào tháng 8.2021".
Sinovac, loại vắc xin Trung Quốc được tiêm nhiều nhất thế giới, hiệu quả ra sao?
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Philippines chưa phản hồi đề nghị đưa ra bình luận về tài liệu cho thấy quân đội Mỹ thừa nhận đã tiến hành chương trình tuyên truyền.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Nguyen từ chối xác nhận phản ứng của phía Mỹ như viện dẫn từ tài liệu. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng cơ quan này đã đưa ra "nội dung trên mạng xã hội về tính an toàn và hiệu quả của Sinovac".
Vào thời điểm Lầu Năm Góc phát động chiến dịch, các quan chức an ninh quốc gia ở Washington DC lo ngại rằng Bắc Kinh đang lợi dụng đại dịch để đàm phán các thỏa thuận địa chính trị quan trọng và phá hoại các liên minh quốc tế của Mỹ bằng cách gửi viện trợ cho Philippines và các quốc gia khác.
Chiến dịch tâm lý bí mật mà Reuters phát hiện không chỉ giới hạn ở Philippines mà còn nhắm vào các nước đang phát triển trên khắp Trung Á, Trung Đông và Đông Nam Á vào năm 2020 và 2021. Philippines và các quốc gia khác vào thời điểm đó phụ thuộc rất nhiều vào vắc xin Sinovac của Trung Quốc để tiêm chủng cho người dân. Sinovac cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn, tương tự như các loại Pfizer và Moderna.
Trong một thông cáo gửi đến truyền thông Trung Quốc sau cuộc điều tra của Reuters vào tháng 6, một phát ngôn viên của Sinovac đã chỉ trích quân đội Mỹ. "Việc kỳ thị tiêm chủng sẽ dẫn đến một loạt hậu quả, chẳng hạn như tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, dịch bệnh bùng phát và lây lan, hoảng loạn và bất an trong xã hội, cũng như khủng hoảng niềm tin vào khoa học và sức khỏe cộng đồng", theo phát ngôn viên của Sinovac.
Bình luận với hãng tin Reuters về phát hiện từ cuộc điều tra, ông Daniel Lucey, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc trường y Geisel, gọi hành động phát tán thông tin thất thiệt để chống vắc xin là "không thể bào chữa". Ông nói: "Tôi cực kỳ buồn bực, thất vọng và mất niềm tin khi biết chính phủ Mỹ lại làm vậy".
Còn ông Greg Treverton, cựu chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, nhận xét rằng hành đồng của Lầu Năm Góc đã "vượt quá giới hạn".
Bình luận (0)