Mỹ từng cảnh báo Boeing 777 có nguy cơ gãy đôi khi bay

13/03/2014 10:48 GMT+7

(TNO) Nhiều tháng trước khi xảy ra vụ máy bay Malaysia mất tích, Cục Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) từng cảnh báo dòng máy bay Boeing 777 có nguy cơ bị gãy đôi khi bay.

(TNO) Nhiều tháng trước khi xảy ra vụ máy bay Malaysia mất tích, Cục Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) từng cảnh báo dòng máy bay Boeing 777 có nguy cơ bị gãy đôi khi bay, theo AFP ngày 13.3.

“Chúng tôi đã ban hành một chỉ thị đề nghị rà soát và sửa chữa các vấn đề rạn nứt và gỉ trên thân máy bay, có thể dẫn đến giảm áp suất đột ngột và máy bay bị gãy làm đôi trong khi bay”, AFP dẫn thông cáo của FAA.

Khi áp suất giảm đột ngột trong khoang lái, phi hành đoàn và hành khách có thể bất tỉnh và không còn ai có thể kiểm soát được máy bay, theo FAA.

Một ví dụ điển hình là vào năm 1999, máy bay Learjet chở tay golf Payne Stewart (Mỹ) rơi xuống một cánh đồng ở bang Nam Dakota (Mỹ) sau vài giờ bay mất kiểm soát, do tất cả người trên máy bay đều bất tỉnh vì giảm áp suất đột ngột dẫn đến thiếu oxy.

FAA đã thảo sắc lệnh cảnh báo về vấn đề kể trên của dòng máy bay Boeing 777 hồi 26.9.2013 và bản chỉ thị này được ban hành vào ngày 5.3, ba ngày trước vụ máy bay mất tích và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 9.4 tới.

FAA cho biết, ước tính có 120 máy bay Boeing 777 ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này.

Chiếc Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở theo 239 hành khách cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) để đến thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã mất tích bí ẩn vào ngày 8.3.

Mặc dù đưa ra nhiều thông tin hoàn toàn trái ngược về vị trí cuối cùng trước khi mất tích, nhưng chính quyền Malaysia từng cho rằng máy bay Boeing 777-200 có khả năng quay đầu bay trở về sân bay quốc tế Kuala Lumpur trước khi biến mất.

Cuộc truy tìm dấu vết chiếc máy bay mất tích bao trùm một khu vực rộng lớn gần 90.000 km2, với sự tham gia của hàng chục chiếc tàu và máy bay từ 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam, theo AFP.

Trái ngược với FAA, các chuyên gia hàng không lại đánh giá Boeing 777 là dòng máy bay thuộc hàng an toàn nhất thế giới.

Hãng tin AP (Mỹ) ngày 8.3 cho biết, chiếc máy bay Boeing 777-200 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines là một trong số những máy bay chở hành khách phổ biến và an toàn nhất thế giới. Nó là một trong số 4 phiên bản của dòng máy bay Boeing 777.

“Boeing 777 là dòng máy báy an toàn nhất thế giới”, AP dẫn lời ông Richard Aboulafia, chuyên gia hàng không thuộc Công ty tư vấn hàng không vũ trụ Teal Group (Mỹ).

Trong lịch sử 19 năm ra đời và hoạt động, chỉ có một vụ tai nạn máy bay chết người liên quan đến Boeing 777. Đó là vụ máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Hàn Quốc Asiana Airlines gặp sự cố khi hạ cánh hồi tháng 7.2013 ở thành phố San Francisco (Mỹ), khiến ba người chết. Ngoài ra, cũng có một sự cố khác nhưng không nghiêm trọng và không có thương vong.

Boeing 777 là dòng máy bay hai động cơ kép, có thể bay gần 3 giờ liên tục với chỉ một động cơ hoạt động trong tình huống khuẩn cấp. Boeing 777 có thể bay 7.250 dặm (tương đương 11.668 km) không ngừng với vận tốc gần 1.000 km/giờ.

Phiên bản mới nhất của Boeing 777 có giá 261,5 triệu USD. Malaysia Airlines sở hữu 15 chiếc Boeing 777. Ngoài khả năng bay tầm xa, Boeing với thân bầu dài giúp nó có thể chở 155 tấn bao gồm hàng hóa, nhiên liệu và hành khách.

Boeing bán được 1.030 chiếc Boeing 777 kể từ khi hãng hàng không Mỹ United Airlines bay chiếc Boeing 777 đầu tiên vào tháng 6.1995. Ngoài ra, Boeing đã nhận được đơn đặt hàng thêm 370 chiếc Boeing 777.

Phúc Duy

>> Khủng hoảng thông tin về vụ máy bay Malaysia mất tích
>> Vệ tinh Mỹ không phát hiện vụ nổ trên không vào ngày máy bay Malaysia mất tích
>> Dân mạng Trung Quốc mỉa mai Malaysia mời pháp sư tìm máy bay mất tích
>> Cảnh sát Malaysia bị tố 'chế' ảnh hành khách Iran mang hộ chiếu giả
>> Đền bù ra sao nếu máy bay Malaysia gặp tai nạn thật sự?
>> Malaysia sẽ không từ bỏ hi vọng tìm thấy máy bay mất tích
>> Vật thể nghi của máy bay mất tích trên biển Đông: Trung Quốc chưa thể xác nhận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.