(Tin Nóng) Bên cạnh việc gắn pháo 105 ly trên máy bay vận tải C-130, quân đội Mỹ còn nghiên cứu cải tiến trực thăng vận tải CH-47 thành trực thăng tấn công để đối phó quân giải phóng trong chiến tranh Việt Nam.
Một trực thăng ACH-47 của Mỹ tại miền nam Việt Nam trước năm 1975 - Ảnh: Quân đội Mỹ
|
Theo trang tin We are the mighty ngày 8.9, những chiếc trực thăng chở quân CH-47 được sử dụng cho dự án này gọi là ACH-47A, có bọc thép, trang bị 2 pháo 20 mm, 1 súng phóng lựu tự động 40 mm ở đầu mũi, 5 khẩu súng máy 7,62 mm và 2 dàn phóng rocket (loại 70 mm) hoặc 2 khẩu minigun.
Dự án này có biệt danh là Guns-A-Go-Go, theo đó loại trực thăng chở quân nay biến thành trực thăng tấn công có thể tạo ra hoả lực bao phủ tầm 360 độ.
Dự án nhằm cung cấp hỗ trợ hoả lực mạnh cho các toán quân dưới mặt đất. Có 4 chiếc trực thăng chở quân CH-47 được cải biến phục vụ dự án này, bao gồm việc gắn thêm một lớp thép bảo vệ nặng đến 1,2 tấn và cải tiến động cơ cho mạnh hơn.
Ba chiếc trực thăng cải tiến này được đưa đến miền nam Việt Nam vào năm 1966, và trải qua 6 tháng thử nghiệm. Nhiệm vụ của chúng là hỗ trợ Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ và Lực lượng đặc nhiệm của Úc.
Ban đầu các chiếc trực thăng này tỏ ra hữu hiệu, nhưng Lục quân Mỹ vẫn lưỡng lự trong việc mở rộng chúng, lý do là chi phí bảo trì bảo dưỡng quá cao. Trong khi đó trực thăng CH-47 thông thường đã chứng minh sự hữu hiệu khi dùng để chở quân và hàng hoá hơn là dùng để tấn công mặt đất.
Cấu tạo một chiếc ACH-47
|
ACH-47 của Mỹ tại một sân bay ở miền nam Việt Nam trước năm 1975
|
Tranh vẽ ACH-47 hoạt động
|
Trong 4 chiếc trực thăng tấn công ACH-47 của dự án, có 3 chiếc bị thiệt hại tại chiến trường Việt Nam. Chiếc đầu tiên đâm phải 1 chiếc CH-47 khi đang di chuyển trên đường băng và phải loại bỏ. Chiếc thứ hai do khẩu pháo 20 mm gắn bị lỏng nên bắn trúng cánh quạt trước và coi như bị loại. Chiếc thứ ba bị quân giải phóng miền nam Việt Nam bắn rơi và sau đó bị đạn cối của quân giải phóng phá huỷ, may mắn là phi hành đoàn thoát thân kịp.
Do các chiếc này được thiết kế hoạt động theo cặp, khi 1 chiếc tấn công thì chiếc còn lại làm nhiệm vụ bảo vệ, nên sau đó Lục quân Mỹ ra lệnh đưa chiếc thứ 4 và cuối cùng về nước. Chiếc này được dùng để huấn luyện cho đến năm 1997, nay được trưng bày ở bảo tàng Redstone Arsenal, bang Alabama.
Xem đoạn phim của Lục quân Mỹ về một phi vụ trực thăng ACH-47 hoạt động trong chiến tranh Việt Nam
|
Anh Sơn
>> CIA với phi vụ câu trộm trực thăng Liên Xô ở châu Phi
>> 20 năm cuộc đào thoát của phi hành đoàn Nga khỏi tay Taliban
>> Công thức toán giúp tìm ra số xe tăng phát xít Đức sản xuất
>> Hồ sơ: Bãi đáp trực thăng trên cây trong chiến tranh Việt Nam
>> Vũ khí Nga trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam
>> Hồ sơ: CIA từng dùng trực thăng siêu êm đột nhập Vinh
>> Quân đội Mỹ tiết lộ bị đĩa bay tấn công trong chiến tranh Việt Nam
Bình luận (0)