Trong suốt thời gian qua, Mỹ cố gắng thuyết phục các đồng minh của họ bỏ rơi Huawei, nhưng lại tỏ ra lúng túng khi không hề cung cấp một bằng chứng cụ thể nào cho các tuyên bố của mình. Tuy nhiên, có vẻ như đã có một số bằng chứng được đưa ra ánh sáng dù chúng chưa thực sự là mối đe dọa như cáo buộc của Mỹ.
Theo các quan chức Mỹ chia sẻ với tạp chí Wall Street Journal, Huawei có thể "tình cờ" truy cập các mạng điện thoại trên toàn thế giới bằng cách sử dụng các cửa hậu vốn dành để thực thi pháp luật (khi cần). Các nhà sản xuất thường được yêu cầu thiết kế thiết bị của họ chặn quyền truy cập trái phép khi không được sự đồng ý của người dùng hoặc phía bảo trì thiết bị, trong đó Huawei chính là bên giữ quyền truy cập với vai trò là đơn vị bảo trì mà không nhà mạng nào ngăn cấm.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, Huawei cũng là công ty duy nhất sở hữu quyền truy cập này và không hề chia sẻ nó với các cơ quan an ninh quốc gia. Mỹ dường như không muốn chia sẻ phát hiện này cho đến cuối năm ngoái, nhưng họ đã thay đổi quyết định dù trước đó khẳng định không cần phải cung cấp bằng chứng hữu hình. Có vẻ như tuyên bố công khai này đã phần nào lý giải cho một số khẳng định đó.
Huawei bác bỏ những tuyên bố mới nhất này. Đại diện Huawei nói rằng "chưa bao giờ và sẽ không bao giờ làm" bất cứ điều gì để gây nguy hiểm cho khách hàng của mình. Một quan chức nói thêm rằng các cửa hậu dành để thực thi pháp luật được "quy định chặt chẽ" và chỉ có thể được sử dụng bởi các nhân viên nhà mạng được chứng nhận về quyền hạn. Các nhân viên của Huawei cũng cần "sự chấp thuận rõ ràng". Ngoài ra, mọi nỗ lực sử dụng các cửa hậu đó sẽ dễ dàng bị phát hiện.
Trong khi điều này làm sáng tỏ hơn lý do tại sao Mỹ gây áp lực buộc các nước từ bỏ Huawei, nhưng nó không nhất thiết thuyết phục mọi người. Dường như không có bằng chứng nào cho thấy Huawei đã sử dụng khả năng này, kể cả trên các mạng của những gã khổng lồ không dây như Vodafone, dù trước đó Vodafone đã tìm thấy lỗ hổng bảo mật trong các bộ định tuyến của Huawei vào năm 2009, nhưng họ đã bác bỏ với Bloomberg về khả năng “hỗ trợ gián điệp” bởi chúng chỉ là các tính năng telnet phổ biến và không được đóng gói đúng cách.
Nếu không có thêm bằng chứng, thật khó để biết liệu Mỹ có đưa ra bằng chứng dứt khoát hay thổi phồng mối đe dọa hay không. Bởi không chỉ Huawei, mà bất cứ nhà sản xuất thiết bị viễn thông nào như Nokia hay Ericsson cũng phải thiết kế các “cửa hậu” tương tự để bảo trì thiết bị và dành cho các kỹ sư nhà mạng hoặc giới thực thi pháp luật sử dụng khi cần.
Bình luận (0)