(TNO) Bất đồng về cách chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) giữa Iraq và Mỹ đã bộc lộ vào hôm 3.3 khi quan chức Iraq tuyên bố sẽ tự mình chống IS mà không cần Washington giúp.
Binh sĩ Iraq và dân quân Hồi giáo dòng Shiite đóng quân ở tỉnh Salahuddin, phía bắc Baghdad - Ảnh: Reuters
|
Vào hôm 2.3, quân đội Iraq đã phát động một chiến dịch quân sự lớn nhằm vào phiến quân IS tại Tikrit, quê nhà của cố Lãnh đạo Saddam Hussein, mà không chờ ý kiến từ phía Mỹ, The New York Times (Mỹ) hôm 3.3 dẫn lời quan chức Iraq cho hay.
Về phía Mỹ, các quan chức nước này cũng đã lên tiếng bày tỏ sự khó chịu với việc quân đội Iraq và lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite đóng vai trò chủ đạo trong chiến dịch phản công ở Tikrit.
Các thủ lĩnh lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite khẳng định số quân của họ chiếm đến hơn 2/3 trong tổng số 30.000 quân tham gia đánh vào Tikrit, đồng thời cho biết trung tướng Qassim Suleimani, lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm Quds khét tiếng của Iran, đang hỗ trợ ở chiến tuyến.
Các quan chức Mỹ xác nhận liên quân Iraq còn được hỗ trợ bởi cố vấn và binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, những người đang giúp quân Iraq sử dụng pháo, bệ phóng tên lửa và máy bay do thám không người lái.
The New York Times cho biết chiến dịch phản công tại Tikrit diễn ra trong bối cảnh giữa quan chức Iraq và Mỹ đang có bất đồng sau khi phía Mỹ tuyên bố cuộc tấn công IS ở Mosul, thành phố lớn thứ 2 tại Iraq, sẽ được bắt đầu vào tháng 4, rồi sau đó lại nói rằng lực lượng Iraq may ra phải tới mùa thu mới sẵn sàng cho chiến dịch Mosul.
Ông Ali al-Alaa, trợ lý thân tín của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, đã lên tiếng bày tỏ bức xúc với cái mà ông này gọi là tiến độ lề mề và những ước tính bi quan của người Mỹ về thời gian đánh đuổi IS khỏi Mosul và Anbar.
“Người Mỹ tiếp tục chần chừ về thời gian cần có để giải phóng Iraq. Iraq sẽ tự giải phóng Mosul và Anbar mà không cần họ”, ông này cho hay.
“Chúng tôi vẫn hoan nghênh sự giúp đỡ của đồng minh quốc tế. Nhưng nếu họ không giúp chúng tôi, thì cũng chẳng có vấn đề gì”, The New York Times dẫn lời ông Alaa.
Tờ báo Mỹ còn cho biết kể từ khi IS đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ Iraq hồi tháng 6, cả Iran lẫn Mỹ đều hỗ trợ cho chính phủ Iraq, với liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến hành không kích, còn lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite tại Iraq và Iran phối hợp với quân đội Iraq và lực lượng dân quân người Kurd đánh IS ở trên bộ.
Sự hợp tác giữa Mỹ và Iraq trong mặt trận chống IS trở nên căng thẳng do Washington bất mãn khi chính quyền Thủ tướng Abadi không huy động được số lượng lớn tín đồ Hồi giáo dòng Sunni tham gia vào cuộc chiến chống IS. Mỹ cho rằng đây là yếu tố rất quan trọng giúp lật đổ sự cai trị của IS tại nhiều khu vực có đông tín đồ Hồi giáo dòng Sunni sinh sống.
Về phía Iraq, ngày càng có nhiều quan chức than phiền rằng sự hỗ trợ của Mỹ không mạnh bằng của Iran. Ngoài ra, nhiều người Iraq cảm thấy bực bội khi thấy người Mỹ xem thường lực lượng dân quân, vốn được đánh giá cao khi đã cầm cự với IS trong lúc binh sĩ chính quy bỏ chạy.
Bình luận (0)