Mỹ và Trung Quốc bị cạnh tranh gắt gao ở Olympic

31/07/2024 09:14 GMT+7

Hai nền thể thao rất mạnh của thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều đang khởi đầu không như ý tại Olympic Paris, khi thất bại ở nhiều nội dung thế mạnh.

CẠNH TRANH THÚ VỊ

Trong nhà thi đấu Bercy Arena, bộ ba Xiao Ruoteng, Su Weide và Zhang Boheng của đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) Trung Quốc hít thật sâu, chuẩn bị bước vào phần thi xà đơn, nội dung đồng đội nam môn TDDC. Trước khi bộ ba này tranh tài, Trung Quốc đang hơn Nhật Bản 3,267 điểm. Đồng nghĩa nếu thi đấu tròn vai (chưa nói đến tốt) phần xà đơn, TDDC Trung Quốc sẽ giành HCV.

Mỹ và Trung Quốc bị cạnh tranh gắt gao ở Olympic- Ảnh 1.

Su Weide khiến đội TDDC Trung Quốc bị hụt tấm HCV Olympic

REUTERS

Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra. Với hai cú ngã, Su Weide chỉ đạt 11,600 điểm. Dù Xiao Ruoteng (13,433) và Zhang Boheng (14,733) hoàn thành khá tốt phần thi nhưng vẫn không thể bù đắp cho sai sót của đồng đội. TDDC Nhật Bản tận dụng cơ hội để vượt lên đoạt HCV với 259,594 điểm, trong khi Trung Quốc chỉ có 259,062 điểm, nhận HCB. Tính đến đầu ngày thi đấu thứ tư, Trung Quốc đứng hạng 3 toàn đoàn với 5 HCV, 5 HCB và 2 HCĐ, trong đó cả 5 HCV đến từ những môn thế mạnh truyền thống như bắn súng, lặn.

Đoàn thể thao Mỹ còn gây thất vọng hơn khi đứng ngoài tốp 5 (trong 3 ngày đầu tiên). Trong 20 huy chương mà Mỹ giành được, chỉ có 3 HCV, nhiều hơn đúng 1 HCV so với đoàn Hồng Kông. Đáng chú ý là ở nội dung bơi vốn là thế mạnh, Mỹ mới giành 2 HCV trên tổng số 11 huy chương có được. Mới đây, ngôi sao Katie Ledecky của làng bơi Mỹ (từng giành 7 HCV ở Thế vận hội) đã thua Ariarne Titmus của Úc ở nội dung 400 m tự do nữ. Ledecky còn phải bảo vệ ngôi hậu ở nhiều nội dung khác, trước những đối thủ ngày càng mạnh.

Mỹ từng thống trị đường đua xanh Olympic trong suốt 30 năm. Trong đó, hình ảnh Michael Phelps đoạt tới 23 HCV trở thành biểu tượng cho sức mạnh của "đại bàng Mỹ" ở Thế vận hội. Nhưng sau thời Phelps, đội bơi Mỹ đang chựng lại trước sự vươn lên của Úc hay Ý. "Các đối thủ khác đang mạnh lên từng ngày", HLV Bob Bowman của đội bơi Mỹ thừa nhận, khi Mỹ chỉ về thứ ba, kém xa Úc ở giải bơi lội vô địch thế giới năm 2023.

Sự chơi vơi của Mỹ ở môn bơi, hay của Trung Quốc ở TDDC cho thấy những cường quốc thể thao đang vấp phải sức cạnh tranh ngày càng gắt gao từ các đối thủ như Nhật Bản, Úc hay chủ nhà Pháp (đang trong tốp 5).

Mùa hè Olympic Paris: Sông Seine ô nhiễm, nắng nóng gay gắt

CƠN SÓNG TRẺ DỒN DẬP

Trong 6 kỳ Thế vận hội tổ chức ở thế kỷ 21, có tới 5 kỳ khép lại với kịch bản Mỹ và Trung Quốc chia nhau 2 vị trí dẫn đầu. Với dàn VĐV mạnh về cả chất lượng lẫn số lượng, có lẽ chuyện Mỹ và Trung Quốc trở lại đua tranh ngôi nhất toàn đoàn chỉ là sớm hay muộn. Bởi như đã nói, cả hai còn rất nhiều nội dung thế mạnh phía trước.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hay Úc đã thổi luồng gió mới cho Olympic Paris. Bởi Thế vận hội cần những biểu tượng thống trị như Usain Bolt ở môn điền kinh, Michael Phelps trên đường đua xanh, nhưng cũng cần những bất ngờ đầy cảm hứng. Như ở môn bóng bàn nội dung đôi nam - nữ, Ri Jong-sik và Kim Kum-yong của CHDCND Triều Tiên đã "quét sạch" các đối thủ hàng đầu, trong đó có bộ đôi ứng viên vô địch Tomokazu Harimoto và Hina Hayata của Nhật Bản, để lọt vào tới trận đấu cuối. Điều đáng nói ở Ri Jong-sik và Kim Kum-yong là bộ đôi này có thứ hạng thấp nhất trong các đôi VĐV tranh tài, nhưng đã tạo ra cú sốc lịch sử.

Hay tại Olympic Paris đã có những nhà vô địch tuổi teen xuất hiện. Ban Hyo-jin, nhà vô địch người Hàn Quốc nội dung 10 m súng trường hơi nữ năm nay mới… 16 tuổi, luyện bắn súng 3 năm. Ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ, Oh Ye-jin của Hàn Quốc cũng vô địch khi mới 19 tuổi, bén duyên với môn bắn súng 6 năm. Ở nội dung bơi, Summer McIntosh, cô gái 17 tuổi người Canada, đã đoạt HCV 400 m hỗn hợp cá nhân. Những nhà vô địch trẻ tuổi khác trên đường đua xanh đã xuất hiện như O'Callaghan (Úc), giành HCV 200 m tự do nữ và phá luôn kỷ lục Olympic ở tuổi 20, hay David Popovici (Rumani) giành HCV 200 m tự do nam ở tuổi 19 dù bị chứng cong vẹo cột sống…

Những VĐV trẻ đang làm dậy sóng thế vận hội cho thấy thể thao luôn khắc nghiệt, đào thải nhanh theo quy luật "sóng sau xô sóng trước". Cũng bởi vậy, Olympic càng trở nên đáng xem hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.