Theo tờ The New York Times, 2 thập niên giảm thuế cùng các đợt ứng phó với suy thoái và chi tiêu của chính phủ đã khiến nợ công của Mỹ tăng thêm 25.000 tỉ USD. Mỹ chạm đến trần nợ 31.400 tỉ USD từ hồi tháng 1 và Bộ Tài chính đã phải sử dụng các biện pháp đặc biệt từ đó để có tiền mặt xoay xở trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nhiều lần cảnh báo rằng hiệu lực của các biện pháp này không kéo dài lâu và "ngày X" - thời điểm chính phủ cạn tiền - có thể xảy ra ngay đầu tháng 6. Quốc hội có thể tăng trần nợ hoặc tạm thời hủy mức giới hạn mà chính phủ có thể vay, những điều đã được thực hiện nhiều lần trước đây.
Vướng mắc hiện nay là đảng Cộng hòa - phe đang kiểm soát Hạ viện - chỉ đồng ý tăng trần nợ nếu chính phủ chịu cắt giảm chi tiêu, phương án mà Nhà Trắng đã cự tuyệt. Ông Biden và các lãnh đạo quốc hội dự kiến tiếp tục gặp nhau vào đầu tuần này (bắt đầu từ ngày 15.5) để tìm cách thỏa hiệp. Theo AP, các nhà đàm phán đang cân nhắc phương án để đạt thỏa thuận nâng trần nợ, đó là thu lại nguồn quỹ cứu trợ Covid-19 chưa sử dụng, giới hạn chi tiêu, thông qua cải cách quy trình cấp phép để cởi trói cho các dự án phát triển.
Bên cạnh đó, nguồn tin của CNN cho hay Nhà Trắng muốn tăng trần nợ ở mức đủ để hoạt động hơn 1 năm, nhằm tránh phải đàm phán tiếp trong năm sau. Đồng thời, Nhà Trắng chỉ đồng ý giới hạn chi tiêu trong giai đoạn ngắn.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, không tăng trần nợ kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế. Điều đó sẽ khiến chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử, nếu không tính lần chậm trả lãi hồi năm 1979 do lỗi sổ sách.
Theo tờ The New York Times, trong trường hợp vỡ nợ, Bộ Tài chính có thể sẽ ưu tiên các khoản thanh toán cho trái chủ, trong khi Fed sẽ mua thêm một số trái phiếu chính phủ, nghĩa là đưa thêm tiền vào lưu thông.
Một phân tích của Nhà Trắng cho thấy rằng nếu kịch bản chưa có tiền lệ là vỡ nợ xảy ra sẽ làm mất 500.000 việc làm, thậm chí tình huống xấu hơn có thể khiến 8,3 triệu việc bị mất đi trong lâu dài, tương đương cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việc chính phủ Mỹ vỡ nợ có thể khiến chi phí vay tăng cao và người thụ hưởng các chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế mất đi quyền lợi. Cuộc bế tắc về trần nợ hồi năm 2011 đã khiến chính phủ Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm, giảm sự tự tin của doanh nghiệp.
Bình luận (0)