Mỹ viện trợ khẩn 300 triệu USD vũ khí cho Ukraine

Văn Khoa
Văn Khoa
13/03/2024 08:04 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12.3 công bố gói vũ khí khẩn cấp trị giá 300 triệu USD để hỗ trợ Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine, gồm tên lửa, đạn pháo và đạn dược, "gần như không đủ" và sẽ hết trong vài tuần nữa, khiến Ukraine rơi vào tình trạng bị các lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin áp đảo, theo AFP.

Nhà Trắng cho hay gói viện trợ vũ khí 300 triệu USD, gói đầu tiên kể từ tháng 12.2023, được thực hiện bằng cách sử dụng số tiền mà Lầu Năm Góc đã tiết kiệm từ các chương trình mua sắm khác, cho phép ông Biden vượt qua hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Đảng Dân chủ đã kêu gọi đảng Cộng hòa ngừng chặn gói viện trợ lớn hơn trị giá 60 tỉ USD của ông Biden dành cho Ukraine.

Mỹ có gói viện trợ 300 triệu USD cho Ukraine

"Chúng ta phải hành động trước khi quá muộn... Nga sẽ không dừng lại ở Ukraine. Ông Putin sẽ tiếp tục tiến tới, khiến châu Âu, Mỹ và toàn bộ thế giới tự do gặp nguy hiểm", Tổng thống Biden nói khi gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Donald Tusk tại Nhà Trắng.

Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Ba Lan đã thảo luận tình hình an ninh ở châu Âu và việc Nga giành thêm quyền kiểm soát lãnh thổ ở Ukraine có thể có ý nghĩa gì đối với khu vực, theo Reuters.

Mỹ viện trợ khẩn 300 triệu USD vũ khí cho Ukraine- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại Nhà Trắng ngày 12.3

Reuters

Phát biểu với giới phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Biden, ông Tusk cảnh báo với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson rằng "số phận của hàng triệu người" và "hàng ngàn mạng sống" phụ thuộc vào việc đảng Cộng hòa có cho phép bỏ phiếu về khoản viện trợ quân sự trị giá 60 tỉ USD cho Ukraine hay không, theo Reuters.

Văn phòng của ông Johnson từ chối bình luận. Trước đó, sau khi hạ nghị sĩ Johnson gặp Tổng thống Duda, văn phòng của ông Johnson đã đưa ra một tuyên bố không đề cập đến tình trạng viện trợ Ukraine bị bế tắc. "Trong một thế giới ngày càng nguy hiểm với các mối đe dọa ngày càng tăng, nước Mỹ phải đoàn kết với bạn bè để chống lại những kẻ đe dọa an ninh của chúng ta", ông Johnson nhấn mạnh.

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với phát ngôn trên của giới lãnh đạo Mỹ và Ba Lan.

Lãnh đạo Airbus cảnh báo châu Âu chưa sẵn sàng đối đầu quân sự với Nga

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ra cảnh báo về xung đột

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 12.3 cảnh báo rằng phải tránh bất kỳ bước đi nào có thể làm trầm trọng thêm cuộc chiến ở Ukraine và có thể lây lan xung đột sang NATO.

Phát biểu tại bữa tối với các đại sứ nước ngoài ở Ankara, Tổng thống Erdogan cho hay Ankara sẽ tiếp tục nỗ lực khôi phục thỏa thuận ngũ cốc ở biển Đen mà Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian giữa Moscow và Kyiv với Liên Hiệp Quốc.

"Chúng tôi đang nỗ lực thiết lập lại an toàn hàng hải ở biển Đen và đảm bảo việc buôn bán ngũ cốc có thể được thực hiện một cách an toàn. Chúng tôi tin rằng cần phải tránh những bước đi làm trầm trọng thêm xung đột trong khu vực và lan sang NATO"", ông Erdogan nhấn mạnh thêm.

Trong tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các đồng minh phương Tây không nên loại trừ việc triển khai quân tới Ukraine. Tuy nhiên, hầu hết các đồng minh và người đứng đầu NATO đều không đồng tình với ý tưởng này, theo Reuters.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước và Tổng thống Erdogan đã đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine - Nga.

Ông Erdogan ngày 12.3 cho hay ông Putin sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc bầu cử tổng thống Nga mà không nói rõ chi tiết. Điện Kremlin trước đó cho hay chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Putin sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống Nga, từ ngày 15-17.3.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vào năm 2022 nhưng kể từ đó phàn nàn rằng không có bước đi ngoại giao nào được thực hiện để thúc đẩy các cuộc thảo luận như thế. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhiều lần đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo và cho rằng cần có một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng cũng duy trì mối quan hệ thân mật với Nga và thường xuyên đối thoại với cả hai bên trong xung đột Nga - Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp hỗ trợ quân sự và chính trị cho Ukraine, nhưng cũng phản đối các biện pháp cấm vận chống lại Nga, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.