Phần lớn khí tài và vũ khí không sát thương mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine thực sự chỉ là “hàng phế thải” không thể sử dụng, trang tin lenta.ru (Nga) dẫn báo The Washington Post.
Trực thăng UH-60M Blackhawk của quân đội Mỹ vận chuyển xe Hummer trong cuộc tập trận ở Lithuania ngày 11.8.2015 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Tờ Washington Post ngày 30.11 cũng cho biết, các lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã được chuyển giao 3 chiếc xe quân sự đa năng Hummer (trong số 100 chiếc loại này được viện trợ cho chính quyền Kiev), vốn ra lò từ cuối thập niên 1980 - đầu 1990, không có lớp giáp sắt bảo vệ, cửa xe được làm bằng nhựa.
Gần trăm chiếc xe bị xếp xó, vì lốp xe đã hỏng sau khi chạy vài trăm cây số, mà quân đội Ukraine lại không có loại bánh xe tương thích để thay thế. Tại Ukraine, lốp cho xe Hummer có giá khoảng 1.000 USD, tương đương với giá của một chiếc SUV mà quân đội nước này được Mỹ viện trợ.
Ngoài ra, theo Washington Post, Lầu Năm Góc cũng viện trợ cho Ukraine 120 áo giáp chống đạn mà quân đội Mỹ đã ngừng sử dụng cách đây hơn một thập niên.
Tờ báo này cũng cho biết, các loại vũ khí và thiết bị quân sự lỗi thời của Mỹ đã làm giảm sút tinh thần chiến đấu của binh sĩ Ukraine. “Nếu người Mỹ muốn giúp chúng tôi thì đừng gửi hàng cũ”, một viên chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Ukraina than phiền.
Một nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ chỉ chuyển giao cho Ukraina những loại vũ khí, khí tài phế thải, lạc hậu, lấy lý do là thời hạn quá gấp gáp bởi cuộc xung đột ở Donbass bùng nổ, cũng như thiếu vốn cho mục đích này. “Chúng tôi muốn chuyển giao các thiết bị kỹ thuật càng sớm càng tốt, trong khi đó chúng tôi không có tiền”, tờ Washington Post dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tờ báo này cũng lưu ý rằng Mỹ có chuyển đến Kiev một số trang thiết bị hiện đại hơn, chẳng hạn các thiết bị quan sát ban đêm, radar tầm nhiệt, thiết bị liên lạc vô tuyến và dụng cụ y tế.
Ngày 25.11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê duyệt dự toán ngân sách quốc phòng trong năm tài chính 2016, trong đó có hạng mục cung cấp cho Ukraine 300 triệu USD dưới hình thức vũ khí sát thương, vũ khí chống tăng...
Trước đó, ngày 29.9 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, ông Arsen Avakov trên trang Facebook của mình có nói về việc Mỹ đã chuyển giao cho Cảnh sát Quốc gia Ukraine súng trường bắn tỉa cỡ nòng lớn do công ty Mỹ Barrett sản xuất, cũng như súng phóng lựu DRTG-73.
Ngày 21.10, Tổng thống Ukraine Poroshenko thông báo rằng vào giữa tháng 11 Kiev sẽ nhận radar phát hiện vũ khí đạn đạo tầm xa, do Mỹ sản xuất.
Kiev luôn mong muốn được cung cấp vũ khí tấn công sát thương từ các nước phương Tây. Về phần mình, các nước châu Âu (đặc biệt là Đức, Pháp, Đan Mạch, Estonia và Ý) lại phản đối việc xuất khẩu vũ khí cho Ukraine, nhằm ngăn chặn tình trạng leo thang xung đột vũ trang ở Donbass. Cho đến nay, Mỹ và các nước phương Tây vẫn chỉ cung cấp vũ khí không sát thương cho Ukraine.
Bình luận (0)