Theo Reuters, chiến dịch càn quét hoạt động khai thác Bitcoin do Quốc vụ viện Trung Quốc khởi xướng từ cuối tháng 5 đã tàn phá ngành công nghiệp tiền mã hóa tại đất nước này, khiến các thợ đào phải đóng cửa nhà máy hoặc chuyển máy móc ra nước ngoài.
Hash rate (tỷ lệ băm) của Trung Quốc giảm xuống mức 0 vào tháng 7. Hồi tháng 5, con số này là 44%. Năm 2019, Trung Quốc từng chiếm 75% hash rate trên toàn thế giới.
Trung Quốc không còn chiếm phần lớn sức mạnh khai thác Bitcoin |
REUTERS |
Do đó, Mỹ hiện chiếm thị phần khai thác lớn nhất, với 35,4% hash rate tính đến cuối tháng 8 năm nay, tiếp theo là Kazakhstan và Nga.
Mao Shihang - người sáng lập F2Pool, từng là nhóm khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới nói: "Là một người đã chứng kiến sự khai sinh của ngành công nghiệp này ở Trung Quốc, tôi thấy tình cảnh hiện tại rất đáng tiếc. Trung Quốc đang mất đi thị phần, trọng tâm của ngành đang chuyển sang Mỹ".
Một số bang ở Mỹ như New York, Kentucky, Georgia và Texas thu hút đông đảo thợ đào Bitcoin và sẵn sàng đưa ra các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đến đây hoạt động.
Với địa thế giáp Trung Quốc, Kazakhstan cũng là điểm đến lý tưởng cho những thợ đào cần tìm đường lui một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, Nga có chi phí điện thấp, khí hậu mát mẻ, giúp các công ty có thể sử dụng lượng điện dư thừa để đào Bitcoin, song vẫn có những lo ngại về hoạt động khai thác bất hợp pháp.
Mỏ đào bitcoin công suất lớn tại Siberia |
Nhật báo Vedomosti dẫn ra nội dung trong bức thư mà Igor Kobzev - thống đốc vùng Irkutsk gửi chính phủ ở Moscow vào cuối tháng 9, trong đó ông phàn nàn thuế năng lượng đang "tăng như tuyết lở" do hoạt động khai thác tiền mã hóa trái phép diễn ra tại đây. Tình hình lại càng tệ hơn khi chính phủ Trung Quốc cấm tiền mã hóa, buộc thợ đào từ Trung Quốc phải di dời một lượng lớn thiết bị đến vùng Irkutsk.
Bình luận (0)