Myanmar hợp pháp hóa nghiệp đoàn kể từ năm 2011 và thông qua luật về lương tối thiểu năm 2013 nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống công nhân. Tuy nhiên, đến năm 2015, chính phủ mới chính thức áp dụng mức lương tối thiểu 3.600 kyat (gần 60.000 đồng)/ngày sau hàng loạt cuộc đình công, biểu tình cũng như đàm phán giữa các nghiệp đoàn với chủ doanh nghiệp. Phía nghiệp đoàn ban đầu đề xuất tăng lên 4.000 kyat, còn mức doanh nghiệp đưa ra là 2.500 kyat. Dù vậy, sau 2 năm áp dụng, mức lương tối thiểu hiện nay bị cho là đã trở nên bất cập, theo tờ The Myanmar Times.
Doanh nghiệp lách luật
Giới quan sát và đại diện nghiệp đoàn ở Myanmar cho rằng một số doanh nghiệp, nhất là các chủ xưởng may mặc, thực chất chỉ “miễn cưỡng” chấp nhận tăng lương nên lách luật bằng cách thử việc - sa thải. Cụ thể, doanh nghiệp buộc công nhân phải trải qua giai đoạn “học việc” chỉ trả 1.800 kyat/ngày, nếu đạt yêu cầu mới đến giai đoạn “thử việc” (2.700 kyat/ngày), nhưng đến thời hạn ký hợp đồng thì lập tức sa thải, theo ông Alex Moodie - chuyên gia thuộc Tổ chức Bảo vệ người lao động Progressive Voice.
Nghiên cứu của Progressive Voice phát hiện 61% lao động được ký hợp đồng hưởng lương tối thiểu đúng quy định thì bị chèn ép bằng cách tăng định mức sản phẩm lên cao, nếu không đạt sẽ bị trừ lương. Ngoài ra, công nhân làm việc lâu năm trước thời điểm áp dụng lương tối thiểu (1.9.2015) bị cắt tiền tăng lương theo thâm niên do doanh nghiệp viện cớ luật lương tối thiểu mới phải áp dụng đối với tất cả lao động. Progressive Voice kết luận dù mức lương tối thiểu có tăng thì đời sống công nhân cũng không mấy cải thiện mà còn bị vắt kiệt sức lao động do định mức ngày càng cao.
Vào tháng 11.2016, công nhân biểu tình đòi nâng lương lên 5.600 kyat/ngày, tức tăng 56%. Gần đây, hơn 1.000 công nhân đã đình công, biểu tình đòi tăng lương tại nhà máy dệt may của Trung Quốc ở Hlaing Tharyar, khu công nghiệp lớn nhất tại TP.Yangon, theo The Myanmar Times.
Nguy cơ nhà đầu tư “tháo chạy”
Myanmar thu hút nhiều nhà đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực dệt may với những thương hiệu lớn như Gap, H&M, Adidas... Năm 2015, ngành dệt may chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu
của Myanmar. Hiện nhiều công ty trong ngành này đang phập phồng lo ngại trước đợt tăng lương tối thiểu sắp tới. “Nghiệp đoàn đòi tăng lương tối thiểu lên 5.600 kyat/ngày, có thể quá sức cho doanh nghiệp”, ông Khin Maung Oo thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp may mặc Myanmar lưu ý. Một số chủ nhà xưởng cho biết họ chỉ có thể nâng lương tối thiểu lên 5.000 kyat/ngày, tức tăng 39% so với mức hiện tại. Ông Jacob Clere, đại diện của SMART Myanmar, tổ chức xúc tiến đầu tư ở Myanmar do EU tài trợ kinh phí, cho hay nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ phải cân nhắc lại việc mở thêm hoặc đóng cửa nhà máy ở Myanmar nếu lương tối thiểu tăng quá cao.
Trong một cuộc họp tiếp thu ý kiến với Thủ hiến vùng Yangon U Phyo Min Thein gần đây, các chủ doanh nghiệp ở khu công nghiệp Hlaing Tharyar đề nghị chính phủ cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạn chế tình trạng mất điện, chống tham nhũng và giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà. “Tăng lương tối thiểu là điều cần làm nhưng cũng phải đưa ra chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể mở nhà máy ở Myanmar nếu rào cản ngày càng gia tăng trong khi lợi nhuận sụt giảm”, ông Clere nhận định.
Trước tình hình đó, giới chuyên gia đề xuất giải pháp tăng lương tối thiểu theo tỷ lệ lạm phát hoặc áp dụng nhiều mức khác nhau tùy theo chi phí sinh hoạt từng khu vực. Hồi cuối tháng 2, chính phủ Myanmar thành lập Ủy ban Lương tối thiểu quốc gia với nhiệm vụ tái đàm phán lương tối thiểu. “Chúng tôi sẽ đưa ra lương tối thiểu cho từng khu vực khác nhau, so với trước đây chỉ áp dụng một mức trên toàn quốc, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả lao động và chủ doanh nghiệp”, trang tin Asia Times dẫn lời ông Khin Maung Nyo, thành viên ủy ban trên, cho biết. Sau khi nghiệp đoàn và doanh nghiệp hoàn tất đàm phán, ủy ban sẽ trình đề xuất tăng mức lương tối thiểu lên chính phủ vào tháng 9. Ngoài ra, Chủ tịch phụ trách vùng Yangon của Liên hiệp Các nghiệp đoàn Myanamar Ma Win Theingi Soe kiến nghị chính phủ phải có phương án kiểm soát giá cả hàng hóa leo thang sau khi tăng mức lương tối thiểu lần này.
Bình luận (0)