Ngày 27.4, lực lượng đối lập Liên minh dân tộc Karen (KNU) tấn công và chiếm giữ một đồn quân sự của quân đội Myanmar tại Thaw Le Hta, giáp giới với tỉnh Mae Hong Song của Thái Lan. Người phụ trách mảng “đối ngoại” của KNU, ông Saw Taw Nee nói rằng đồn quân sự đã bị đốt cháy nhưng không công bố thông tin về thương vong, theo Reuters. Chính quyền quân sự Myanmar xác nhận cuộc tấn công và sau đó được cho là tiến hành các đợt không kích đáp trả.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình và đình công chống chính quyền quân sự tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi và ít nhất một người bị bắn chết tại TP.Mandalay hôm 26.4.
Hôm 24.4, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tại Indonesia và đạt đồng thuận nhằm giải quyết khủng hoảng gồm 5 điểm: ngừng bạo lực, bắt đầu đối thoại tìm giải pháp hòa bình, cho phép viện trợ nhân đạo, chọn đặc phái viên ASEAN để hỗ trợ đối thoại và cho phép đặc phái viên đến thăm Myanmar để gặp gỡ các bên.
Tuy nhiên, Hội đồng Hành chính nhà nước (SAC), cơ quan điều hành của quân đội Myanmar, hôm qua tuyên bố chỉ cân nhắc cẩn trọng những đề xuất xây dựng của ASEAN sau khi tình hình ổn định trở lại. SAC cũng tuyên bố sẽ tích cực xem xét những đề xuất đó nếu ASEAN tạo điều kiện thực hiện lộ trình của chính quyền Myanmar, phục vụ lợi ích của Myanmar và phù hợp với mục đích, nguyên tắc của ASEAN.
Quân đội Myanmar tuyên bố hài lòng về chuyến đi của Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing khi có thể thông tin đến các lãnh đạo ASEAN về tình hình thực tế tại Myanmar. Tuy nhiên, các tổ chức đối lập không đồng tình với kết quả hội nghị vì thiếu nội dung kêu gọi thả những tù nhân chính trị, gồm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Trong một tuyên bố hiếm hoi về Myanmar, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua nói rằng nỗ lực áp đặt ý chí của quân đội Myanmar sẽ không bao giờ được người dân chấp nhận. Cựu lãnh đạo ủng hộ chính quyền Tổng thống Joe Biden và các nước gây sức ép lên quân đội Myanmar nhằm khôi phục dân chủ, đồng thời cảnh báo về nguy cơ bất ổn, khủng hoảng nhân đạo.
Bình luận (0)