Tổng thống đắc cử Myanmar Htin Kyaw ngày 17.3 đã trình quốc hội xem
xét kế hoạch thành lập chính phủ mới với nhiều thay đổi đáng chú ý.
Người dân Myanmar theo dõi sát sao tình hình chính trị đất nước - Ảnh: Reuters |
Diễn biến trên nằm trong khuôn khổ quá trình chuẩn bị cho việc nhậm chức của ông Htin Kyaw, tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar trong hơn 50 năm qua, vào ngày 30.3. Tờ Frontier Myanmar đưa tin ông Htin Kyaw đã đề xuất thành lập 21 bộ, một sự tinh giản đáng kể so với con số 36 bộ trong chính quyền của tổng thống sắp mãn nhiệm Thein Sein.
Danh tính 18 bộ trưởng mà chính phủ được quyền bổ nhiệm theo Hiến pháp hiện hành chưa được công bố và đến nay vẫn chưa rõ bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD), có tham gia nội các hay không.
Theo AFP, điểm đáng chú ý nhất trong kế hoạch trên là việc thành lập Bộ Các vấn đề sắc tộc. Đây là một dấu hiệu cho thấy chính phủ mới của Myanmar coi trọng mối quan hệ với các cộng đồng dân tộc thiểu số tại một đất nước bị tổn thương vì những cuộc nội chiến và căng thẳng tôn giáo. Đảng NLD đã cam kết thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Tờ The Irrawaddy ngày 17.3 dẫn lời ông Mann Aung Pyi Soe, người dân tộc Karen và hiện là Phó chủ tịch đảng Dân chủ Phalon-Sawaw, cho biết việc lập Bộ Các vấn đề sắc tộc là điều đáng hoan nghênh, tuy nhiên ông muốn biết thêm thông tin về hoạt động của bộ này trước khi đưa ra đánh giá liệu nó có đóng góp vào nỗ lực hòa giải dân tộc do NLD chủ xướng hay không.
Chính phủ mới phải đối mặt với không ít thách thức khi chính thức cầm quyền, bao gồm các cuộc xung đột sắc tộc, sự nghèo khổ và quyền lực còn sót lại của quân đội. Họ cũng thừa hưởng một bộ máy hành chính cồng kềnh, thiếu hiệu quả và đầy rẫy tham nhũng. Chẳng hạn, theo hệ thống hiện hành, có 2 bộ riêng cho điện lực và năng lượng, trong khi vận tải đường sắt được tách rời khỏi Bộ Giao thông vận tải.
Theo kế hoạch vừa được đệ trình, dù các công chức cấp thấp sẽ không mất việc, nhưng nhân sự cấp cao của các bộ sẽ bị cắt giảm. Bộ Thông tin Myanmar, từng là công cụ tuyên truyền chống phong trào dân chủ dưới chế độ quân sự trước đây, sẽ được giữ lại.
Kế hoạch của ông Htin Kyaw cũng bao gồm sáp nhập Bộ Khai khoáng vào Bộ Tài nguyên - Môi trường. Đây vẫn sẽ là một cơ quan quan trọng tại Myanmar, nơi nguồn tài nguyên phong phú tập trung ở các khu vực cộng đồng thiểu số nhưng người dân địa phương ít được hưởng những khoản lợi tức khổng lồ mà chúng mang lại.
Bình luận (0)