Myanmar luẩn quẩn trong bất ổn

Ngọc Mai
Ngọc Mai
12/05/2021 07:33 GMT+7

100 ngày trôi qua kể từ cuộc chính biến chấn động, hàng trăm người Myanmar đã chết, còn đất nước vẫn trong cảnh bất ổn và khủng hoảng.

Ngày 1.2, quân đội Myanmar bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước
Aung San Suu Kyi và hàng loạt quan chức cấp cao của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội lên nắm quyền kiểm soát đất nước, nhanh chóng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và quan ngại từ bên ngoài.

Người chết, xung đột và khủng hoảng

Khởi đầu từ 2 thành phố lớn là Yangon và Mandalay, các cuộc biểu tình đã lan rộng ra khắp Myanmar với nhiều hình thức. Bạo lực trở nên dữ dội sau khi người biểu tình bị lực lượng an ninh của chính quyền quân sự bắn chết. Tính đến nay, hơn 700 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự, hơn 3.800 người bị bắt giữ, truy tố hoặc tuyên án tù, theo Hiệp hội Hỗ trợ tù binh chính trị.

Chiến sự bùng nổ vùng biên giới Myanmar, hàng ngàn người dân sẵn sàng trốn qua Thái Lan

Biểu tình vẫn tiếp diễn dù sức nóng được cho là đã giảm đi, và “chảo lửa” đã chuyển ra các khu vực biên giới những tuần gần đây. Theo tờ South China Morning Post, các cuộc đụng độ giữa lực lượng quân đội Myanmar với các nhóm vũ trang thiểu số gia tăng đáng kể. Hai nhóm vũ trang nổi bật nhất là Kachin ở miền bắc và Karen ở miền đông đã tuyên bố ủng hộ phong trào biểu tình và sẽ tiếp tục chiến đấu, bất chấp việc chính quyền quân đội đáp trả bằng hỏa lực.
Sau 100 ngày, Myanmar vẫn khủng hoảng nhiều mặt. Bên trong Myanmar còn có tổ chức đối lập do các nghị sĩ chính quyền cũ lập ra, nhưng bị chính quyền quân đội xem là khủng bố. Các hoạt động kinh tế - xã hội vốn bị tác động do đại dịch Covid-19 nay càng khó khăn hơn. Theo báo cáo từ khảo sát của các phòng thương mại nước ngoài ở Myanmar, 13% các doanh nghiệp ở Myanmar đã dừng mọi hoạt động kể từ cuộc chính biến. Bên cạnh đó, khoảng 1/3 số doanh nghiệp giảm ít nhất 75% hoạt động sản xuất, 21% giảm từ 50 - 75% và chỉ 5% vẫn hoạt động như trước, theo Nikkei Asia dẫn báo cáo.
Trong khi đó, Chương trình phát triển LHQ (UNDP) hồi đầu tháng 5 cảnh báo nếu tình hình kinh tế và an ninh không sớm ổn định, 25 triệu người Myanmar (48% dân số) có thể sống trong cảnh nghèo đói đến năm 2022. Giá thực phẩm tăng, thu nhập giảm, dịch vụ cơ bản xuống cấp, hệ thống an sinh xã hội không đủ cho người dân có thể đẩy hàng triệu người Myanmar đang trong cảnh khó khăn rơi xuống dưới mức nghèo, theo CNN.

Myanmar chưa “mở lòng”

Trước tình hình bất ổn, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại, trong đó ASEAN được cho là đóng vai trò quan trọng góp tiếng nói nhằm tháo gỡ bế tắc ở Myanmar. Cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo các nước ASEAN đã tổ chức phiên họp cấp cao đặc biệt tại Jakarta (Indonesia), thống nhất nhiều điểm liên quan việc giải quyết khủng hoảng ở Myanmar. Theo đó, các lãnh đạo nhất trí kêu gọi ngừng bạo lực ngay lập tức và toàn bộ các bên phải kiềm chế hết mức; đối thoại giữa các bên liên quan để tìm giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân; đặc phái viên của ASEAN sẽ hỗ trợ tiến trình đối thoại; ASEAN sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo và đặc phái viên cùng phái đoàn sẽ đến Myanmar để gặp các bên liên quan. Hội đồng Bảo an LHQ sau đó thông qua tuyên bố ủng hộ ASEAN.
Thống tướng Myanmar - tướng Min Aung Hlaing khi tham dự hội nghị trên không phản đối vai trò xây dựng của ASEAN cũng như việc đặc phái viên tới Myanmar. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar hôm 7.5 tuyên bố chỉ tiếp đặc phái viên ASEAN khi tình hình trong nước ổn định và Myanmar chỉ cân nhắc các đề xuất tại hội nghị nếu có ích cho tầm nhìn của nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.