'Năm 2016 sẽ là bước ngoặt trong tranh chấp trên Biển Đông'

02/01/2016 14:15 GMT+7

Năm 2016 sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử tranh chấp Biển Đông với phán quyết của tòa quốc tế trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, đó là nhận định của Phó giáo sư Alexander L. Vuving.

Năm 2016 sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử tranh chấp Biển Đông với phán quyết của tòa quốc tế trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, đó là nhận định của Phó giáo sư Alexander L. Vuving.

Tàu Trung Quốc nạo vét phi pháp ở Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: ReutersTàu Trung Quốc nạo vét phi pháp ở Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Biển Đông trong năm 2015 là một trong những điểm nóng trên bàn nghị sự khu vực với những vấn đề đáng chú ý. Tình hình Biển Đông căng thẳng vì những hoạt động bồi đắp ngày càng nhanh và nhiều của Trung Quốc, thậm chí Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hoạt động tuần tra của Mỹ và việc tòa án quốc tế xử vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc càng làm vấn đề Biển Đông nóng lên. Với những diễn biến đó, Biển Đông năm 2016 nhiều khả năng vẫn tiếp tục là chủ đề lớn trong khu vực.
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư - tiến sĩ Alexander L. Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ), chuyên gia trong các lĩnh vực về an ninh châu Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Việt Nam và Biển Đông, về những nhận định của ông đối với tình hình Biển Đông trong năm mới 2016.
Theo PGS.TS Alexander L. Vuving, trong năm 2016 tòa trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Với phán quyết này, thế giới sẽ có căn cứ để xác định tính pháp lý về đường lưỡi bò (hay đường chín đoạn) mà Trung Quốc đưa ra, cũng như những hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm chiếm đóng đảo, xây dựng đảo, sách nhiễu ngư dân và điều tàu tuần tra.
Bên cạnh đó, PGS.TS Alexander L. Vuving cho rằng tòa trọng tài quốc tế cũng sẽ đưa ra phán quyết về tình trạng của nhiều thực thể ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Theo đó, phán quyết sẽ tạo cơ sở để xác định liệu các thực thể đó có được hưởng quy chế về lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hay chúng chỉ là các đá và bãi cạn lúc chìm lúc nổi vốn chỉ có vùng an toàn không quá 500 mét theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
PGS-TS Alexander L. Vuving làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ. Ông là chuyên gia trong các lĩnh vực về an ninh châu Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Việt Nam và Biển Đông.
PGS-TS Alexander L. Vuving là tác giả của nhiều bài viết phân tích các vấn đề chính sách và quan hệ quốc tế trên chuyên san ngoại giao The Diplomat. Ông đồng thời là thành viên ban biên tập tờ Chính sách và chính trị châu Á (Asian Politics and Policy) của Tổ chức nghiên cứu chính sách. Các bài báo khoa học của PGS-TS Alexander L. Vuving cũng được công bố rộng rãi tại các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Liên quan đến thái độ của Trung Quốc đối với vụ kiện này, PGS.TS Alexander L. Vuving cho rằng mặc dù Trung Quốc bác bỏ thẩm quyền của tòa trọng tài đối với các vấn đề được Philippines đưa ra kiện, nhưng tòa đã ra phán quyết rõ ràng. Và thậm chí, Trung Quốc có không tuân thủ phán quyết của tòa thì thế giới cũng sẽ có câu trả lời với những căn cứ cho những vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Theo nhận định của PGS.TS Alexander L. Vuving, Trung Quốc với quan điểm vô lý của mình sẽ bị cả thế giới bỏ rơi và thế giới sẽ chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài.
"Điều này đồng nghĩa với việc dù thực tế là Trung Quốc cố tình tẩy chay tòa trọng tài thì nhiều nước không chỉ Philippines mà các nước ASEAN khác, Mỹ, Nhật Bản, Úc cũng như nhiều nước khác nữa cũng sẽ lấy phán quyết của tòa trọng tài làm cơ sở cho lập trường và các hoạt động của họ ở Biển Đông", PGS.TS Alexander L. Vuving khẳng định với Thanh Niên.
Chuyên gia này nhận định năm 2016 tình hình Biển Đông sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines. Tuy vậy, theo ông cho đến khi tòa ra phán quyết, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục có các hành động kiên quyết trên Biển Đông. Đến khi có phán quyết thì mọi hành động trên Biển Đông sẽ phụ thuộc lớn vào hai điều: thứ nhất là bản thân phán quyết đó sẽ đứng về phía Philippines hay Trung Quốc, thứ hai là phản ứng của thế giới đối với phán quyết đó.
Theo đánh giá của PGS.TS Alexander L. Vuving, phán quyết của tòa trọng tài rất có thể sẽ có lợi cho Philippines và thế giới có xu hướng đồng thuận với phán quyết đó. Tuy nhiên cách thế giới phản ứng, bảo vệ phán quyết đó mới là điều có thể tác động tới hành động của Trung Quốc. PGS.TS Alexander L. Vuving khẳng định: "Nếu thế giới thể hiện được rằng phán quyết đó được cam kết để bảo vệ "lẽ phải" thì Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình".
Về cách ứng xử của các nước khác không trực tiếp có tranh chấp trên Biển Đông, PGS.TS Alexander L. Vuving cho rằng năm 2016, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động mà họ vẫn khẳng định là để bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.