Thế giới năm 2016 sẽ 'chiến tranh nhiều hơn hòa bình'

01/01/2016 16:07 GMT+7

Các chuyên gia dự đoán thế giới trong năm 2016 sẽ chứng kiến xung đột và chiến tranh nhiều hơn hòa bình từ châu Á cho đến châu Mỹ.

Các chuyên gia dự đoán thế giới trong năm 2016 sẽ chứng kiến xung đột và chiến tranh nhiều hơn hòa bình từ châu Á cho đến châu Mỹ.

Các tay súng của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). IS chiếm được nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria - Ảnh: AFPCác tay súng của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). IS chiếm được nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria - Ảnh: AFP
Trong bài phân tích trên tờ The Economist (Anh), ông John Andrews, tác giả quyển sách World in Conflict (tạm dịch: Thế giới trong xung đột), dự đoán: “Nhiều khu vực ở Syria, Iraq và châu Phi được dự đoán sẽ chìm trong bạo lực; những băng đảng ma túy sẽ đe dọa sự ổn định của Mỹ Latinh; và những ‘xung đột đóng băng’, từ bán đảo Triều Tiên cho đến Caucasus có nguy cơ kích ngòi cuộc chiến tranh mới”.
Số thương vong trong chiến tranh thế giới lần 1 là khoảng 16 triệu người; chiến tranh thế giới lần 2 là ít nhất 55 triệu người. Tính đến năm 2010, dân số toàn cầu tăng từ 3 tỉ lên 7 tỉ trong vòng 50 năm; trung bình có 180.000 người chết/năm trong 4 thập niên Chiến tranh lạnh; 100.000 người chết/năm trong thập niên 1990; và 55.000 người chết/năm trong những năm đầu của thế kỷ 21, theo tờ The Economist.
Tuy nhiên, trong năm 2016 số thương vong do xung đột có xu hướng gia tăng trở lại, dù các quốc gia không còn điều quân đội đánh nhau như trước. Thay vào đó, quân đội các nước chuyển sang chiến tranh chống lại phiến quân hay các tổ chức cực đoan, khủng bố; hoặc chiến tranh ủy nhiệm, hay tình trạng nội chiến, ông Andrews nhận định.
Cuộc nội chiến Syria là một minh chứng cho xu hướng trên: các nhóm nổi dậy (một số do phương Tây hậu thuẫn) và tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) giao tranh với lực lượng quân đội Syria nhằm lật đổ chính quyền này; Mỹ, phương Tây và Nga can thiệp quân sự vào Syria, tiến hành các đợt không kích chống IS. Nội chiến Syria bùng nổ từ năm 2011 đến nay khiến khoảng 250.000 người chết. 
Một bé trai Syria bước qua đống đổ nát sau một đợt giao tranh tại thị trấn Douma hồi tháng 10.2015 - Ảnh: Reuters
“Hơn 5 năm kể từ cuộc nổi dậy 'Mùa xuân Ả Rập', nhiều khu vực tại Trung Đông và Bắc Phi sẽ tiếp tục là bãi chiến trường trong năm 2016 do sự nổi dậy của các phần tử Hồi giáo cực đoan chống lại việc phương Tây can thiệp quân sự vào khu vực này. IS sẽ chưa thể bị đánh bại, và tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria cũng vậy”, ông Andrews nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Doug Ollivant thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách New America (Mỹ) nhận định: “Trong năm 2016, phương Tây sẽ tiếp tục chứng kiến những vụ tấn công khủng bố do các phần tử cực đoan thực hiện", theo trang tin Defense One (Mỹ).
Thi thể nạn nhân thiệt mạng tại một trong số những địa điểm bị tấn công khủng bố ở thủ đô Paris, Pháp đêm 13.11.2015 - Ảnh: Reuters  
Sau vụ khủng bố Paris tháng 11.2015, Vua Jordan, ông Abdullah II bin Al-Hussein cho biết: “Chúng ta đang đối mặt với chiến tranh thế giới lần 3 chống lại nhân loại” và các lãnh đạo thế giới cần phải hợp tác để đối phó mối đe dọa này.
Giáo hoàng Francis cũng từng lên tiếng cảnh báo về chiến tranh thế giới lần 3, cho biết thay vì các cường quốc điều động quân đội đánh trận, chiến tranh thế giới lần 3 lại bùng nổ thông qua những vụ tấn công khủng bố, giết người hàng loạt.
Ở những nơi khác, Afghanistan vẫn đang nỗ lực tìm kiếm hòa bình và ổn định, Libya đang dần chìm vào bất ổn và xung đột. Myanmar, Thái Lan và Philippines sẽ tiếp tục đối mặt với làn sóng nổi dậy của các lực lượng Hồi giáo.
Xe tăng của quân đội Ukraine ở miền đông nước này - Ảnh: Reuters
Tình hình xung đột ở miền đông Ukraine giữa phe ly khai thân Nga và quân đội Ukraine được dự báo tiếp tục căng thẳng và kéo dài trong năm 2016. Liên Hiệp Quốc ước tính trên 9.000 người - đa số là thường dân - đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 4.2014.
Kiev cáo buộc có khoảng 40.000 tay súng phe ly khai ở miền đông Ukraine và khoảng 8.000 lính Nga hậu thuẫn phe ly khai. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần bác bỏ cáo buộc này của Kiev và phương Tây; tuy nhiên, đến ngày 17.12 vừa qua, ông Putin lần đầu tiên thừa nhận có quân nhân người Nga ở Ukraine, theo AFP.
Chính phủ Ukraine và phe ly khai đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn “Năm mới” và bắt đầu có hiệu lực vào giữa đêm 22.12.2015. Tuy nhiên, ngay sau đó hai bên vẫn tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn 22.12 và các thỏa thuận trước kia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.