Năm 2018: Đoạn kết của giấc mơ ô tô giá rẻ tại Việt Nam

Bá Hùng
Bá Hùng
20/12/2018 12:40 GMT+7

Từ một cột mốc được nhiều người mong chờ, hy vọng... thị trường ô tô năm 2018 trở thành đoạn kết buồn trong giấc mơ sở hữu xe hơi giá rẻ của người Việt.

Năm 2018! Thời điểm ô tô hưởng thuế nhập khẩu 0% từ các quốc gia trong khu vực ASEAN tràn về Việt Nam, cùng màn xuất hiện của xe hơi mang thương hiệu Việt - VinFast... Sau một thời gian dài chờ đợi, chưa bao giờ viễn cảnh về việc mua sắm ô tô giá rẻ của người dân Việt Nam lại gần đến vậy... Thế nhưng, như nhiều người vẫn nói “đời không như là mơ”! Tác động từ chính sách cùng sự chênh lệch về cung, cầu biến năm 2018 trở thành đoạn kết của giấc mơ ô tô giá rẻ tại Việt Nam.
Người Việt hy vọng rồi thất vọng về giá ô tô trong năm 2018
Quay ngược thời gian 1 năm về trước, khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 40% xuống còn 30% theo nội dung Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), lúc đó thị trường ô tô trong nước bắt đầu hình thành “cuộc đua” giảm giá bán giữa các hãng xe. Tại thời điểm đó, mức giảm 230 triệu đồng mà Hyundai Thành Công áp dụng cho SantaFe, 150 triệu đồng với Tucson, hay Honda Accord giảm 192 triệu đồng, Mazda CX-5 giảm tổng cộng 206 triệu đồng... Tạo nên đợt biến động về giá mà giới truyền thông ví von là “chưa từng có trong lịch sử thị trường ô tô Việt Nam”.
Thế nhưng, sức mua ô tô trên thị trường trong năm 2017 lại “không như kỳ vọng” theo như hầu hết kết quả bán hàng mà hãng ô tô kinh doanh tại Việt Nam chia sẻ. Tổng lượng tiêu thụ ô tô trên thị trường trong năm 2017 theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, chỉ đạt gần 273.000 xe các loại, giảm 10% so với năm 2016. Trong đó, riêng doanh số bán xe du lịch giảm tới 15%. Thực tế này được các chuyên gia lý giải do người tiêu dùng mang tâm lý chờ đợi. Bởi theo lộ trình từ năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô đạt tiêu chuẩn về tỉ lệ nội địa hóa nội khối từ các nước ASEAN về Việt Nam giảm từ 30% về mức 0%. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu một số bộ phận, linh phụ kiện ô tô lắp ráp trong nước cũng sẽ giảm sâu. Cùng với việc Tập đoàn Vingroup công bố dự án sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt - VinFast... Tất cả, như làm sống lại giấc mơ “ô tô giá rẻ” của đại đa số người Việt.
Ô tô thương hiệu Việt Nam - VinFast giới thiệu đến người tiêu dùng trong năm 2018
Chính vì vậy, dù dành dụm được khoản tiền 750 triệu đồng, anh Quốc Thoại ngụ ở Quảng Trị đang sử dụng chiếc sedan hạng B - Toyota Vios, vẫn giữ nguyên ý định “lên đời” xe SUV gầm cao 5 - 7 chỗ, bất chấp sức hấp dẫn đến từ chính sách giảm giá của Mazda CX-5 hay Hyundai SantaFe... Nhiều khách hàng khác có ý định sắm ô tô cũng mang suy nghĩ như anh Thoại, bởi đơn giản về lý thuyết theo tính toán của các DN kinh doanh ô tô, khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm về 0% từ năm 2018, giá bán các mẫu xe nhập khẩu sẽ giảm khoảng 23%. Bên cạnh đó, nhiều mẫu xe mới xuất hiện tại các kỳ Triển lãm ô tô tại Việt Nam trong năm 2017 như Toyota Wigo, Toyota Avanza, Suzuki Celerio… trang bị động cơ dưới 2.0 lít, hứa hẹn giá bán sẽ giảm sâu theo lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt. Viễn cảnh về việc sắm ô tô giá rẻ của người Việt lại gần đến vậy!
Tuy nhiên, đó là suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng, còn về phía những nhà quản lý, hoạch định chính sách, hoạt động sản xuất, lắp ráp kinh doanh một sản phẩm yêu cầu cao về yếu tố an toàn và có tác động đến hạ tầng giao thông như ô tô cần được thắt chặt. Để rồi, Nghị định 116 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo bảo dưỡng ô tô được Chính phủ ban hành tháng 10.2017 cùng với Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải, vô hình chung tạo ra rào cản, siết chặt hoạt động nhập khẩu.
Nhiều mẫu ô tô nhập khẩu chật vật vì khan nguồn cung trong năm 2018
Từ chỗ tưởng như cửa đưa xe nhập vào Việt Nam đã mở, nay bỗng chốc khép chặt… khiến hầu hết các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô đặc biệt là các DN có vốn đầu tư FDI cũng như nhà phân phối ô tô nhập khẩu gặp khó khăn. Thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn không ít DN kiến nghị, gửi thư “cầu cứu” lên Chính phủ để mong hy vọng tháo gỡ nút thắt mà Nghị định 116 tạo ra. Trong khi đó, trên thị trường ô tô, hoạt động nhập khẩu xe từ các nước trong khu vực ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ, châu Âu…hầu như đều rơi vào cảnh “đóng băng”.
Tình trạng khan hàng, đội giá bán của một số mẫu xe bắt đầu diễn ra trên thị trường. Đơn cử như mẫu SUV 7 chỗ Toyota Fortuner, Ford Everest hay bán tải Ford Ranger… Trong khi đó, việc điều chỉnh về kế hoạch nhập linh kiện, phụ tùng cũng khiến một số dòng xe lắp ráp trong nước như Mazda CX-5, Honda City… khan hàng.
Mãi đến tháng 4.2018, những lô xe nhập khẩu đầu tiên thuộc diện hưởng thuế nhập khẩu 0% mới bắt đầu bán ra thị trường. Tuy nhiên, giá bán thực tế chẳng những không giảm sâu như kỳ vọng của đa số người Việt mà còn tăng. Đơn cử như mẫu Honda CR-V mới tăng 15 triệu đồng sau 2 lần điều chỉnh giá bán, Toyota Fortuner tăng gần 50 triệu đồng, trong khi mẫu bán tải Hilux tăng 18 - 22 triệu đồng. Giá một số dòng xe mới nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan… như: Toyota Wigo, Suzuki Celerio, Chevrolet Trailblazer, Toyota Rush, Mitsubishi Xpander… khi thông quan ra đại lý vẫn cao hơn so với giá bán tại các nước trong khu vực cũng như một số mẫu xe cùng phân khúc lắp ráp tại Việt Nam.
Thực tế này khiến không ít người tiêu dùng vỡ mộng ô tô giá rẻ. Dù vậy, nhiều người vẫn níu kéo giấc mơ khi VinFast bất ngờ trình làng 2 mẫu xe tại Triển lãm ô tô Paris diễn ra tháng 10.2018 tại Pháp. Gần 1 tháng sau, VinFast mang hai mẫu xe này giới thiệu tại Việt Nam, đồng thời cùng với việc thâu tóm GM Việt Nam, VinFast giới thiệu ra thị trường chiếc Fadil cỡ nhỏ được phát triển dựa trên nền tảng của Chevrolet Spark và Opel Karl (thuộc tập đoàn GM). Tuy nhiên, mức giá mà VinFast công bố cho các mẫu xe mang thương hiệu Việt cũng không hề rẻ như nhiều người kỳ vọng. Trong đó, mẫu ô tô cỡ nhỏ Fadil có giá niêm yết 423 triệu đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng - VAT).
Năm 2018 -  đoạn kết của giấc mơ ô tô giá rẻ tại Việt Nam
Chứng kiến những gì diễn ra trên thị trường, anh Lê Văn Quang - ngụ ở TP.HCM cho biết: “Với mức giá này xem như “vỡ mộng”. Lúc nghe thông tin xe VinFast cỡ nhỏ, sản xuất tại Việt Nam cứ nghĩ giá sẽ rơi vào khoảng dưới 300 triệu đồng”. Trong khi đó, sau hơn nửa năm mòn mỏi chờ đợi, với hầu bao hạn hẹp anh Quốc Thoại đành chọn phương án săn SUV 7 chỗ đã qua sử dụng để sử dụng cho gia đình cũng như kinh doanh dịch vụ. “Thuế giảm nhưng giá xe không giảm, một số đại lý báo giá xe thậm chí còn cao hơn năm ngoái. Thôi thì coi như vỡ mộng và không dám mơ nữa”. Anh Thoại chia sẻ.
Tuy nhiên, chắc hẳn không riêng gì trường hợp của anh Quốc Thoại, diễn biến thị trường ô tô Việt Nam năm 2018 khiến không ít người Việt khép lại giấc mơ sở hữu xe hơi giá rẻ. “Sớm nở chóng tàn”, năm 2018 từng mở ra nhiều hy vọng cho người tiêu dùng ô tô, nhưng rồi lại trở thành điệu nhạc buồn khiến nhiều người bừng tỉnh, nhận ra: “2018 là đoạn kết của giấc mơ ô tô giá rẻ tại Việt Nam”!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.