Năm 2020 bạn kiếm bao nhiêu tiền: Tài xế xe buýt nhớ nghề phụ... bắt móc túi

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
31/12/2020 11:15 GMT+7

Dịch Covid-19 khiến số chuyến xe buýt năm 2020 bị cắt giảm. Cùng với những chuyến xe buýt “buồn hiu", tài xế và tiếp viên xe buýt cũng chật vật vì giảm thu nhập, một số người nhớ nghề phụ... bắt móc túi.

Có chuyến không xé được vé nào

Có mặt trên chuyến xe buýt số 86 (Bến xe Công viên 23/9 - Cầu Long Kiểng), tôi không khó khăn để kiếm một chỗ ngồi trên xe. Tuy là vào những ngày cuối năm nhưng số lượng khách lên xuống xe không nhiều, ghế trên xe buýt cũng trống nhiều hơn. Tài xế cho biết, trong suốt năm 2020 thì lượng khách di chuyển bằng xe buýt giảm hơn hẳn, không còn cảnh chen chúc, người đứng người ngồi nhộn nhịp như trước dịch Covid-19.
Là phương tiện vận tải công cộng, xe buýt phải hạn chế số lượng khách trên xe để tránh tập trung đông người. Tài xế tiếp viên xe buýt phải luôn mang khẩu trang, trang bị nước rửa tay và vệ sinh xe buýt thường xuyên.

Tiếp viên, tài xế xe buýt "buồn thiu" vì ít khách, không xé được vé

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Đã làm tài xế được 20 năm, ông Lư Khánh Dũng cho biết ông gắn bó với nghề chạy xe tải sau đó về làm tài xế xe buýt được 6 năm nay. Trong suốt khoảng thời gian làm tài xế xe buýt, ông Dũng cho biết chưa bao giờ chứng kiến cảnh không có một khách trên xe, hay một chuyến chỉ xé được 1 đến 2 vé như năm nay.
Ông chia sẻ, ông cũng như các tài xế và tiếp viên khác đều bị ảnh hưởng và giảm thu nhập. “Những tháng bình thường mình làm nhiều thì 30 ngày công ít thì 28 công thì giờ chỉ còn 19 đến 20 ngày công. Nhưng mà ảnh hưởng chung nên mình phải chịu thôi, dịch bệnh mà”, ông tâm sự.
Không chỉ phải hạn chế số lượng chở hành khách, có một khoảng thời gian xe buýt tại TP.HCM phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch Covid-19. Khoảng thời gian này, ông Dũng cũng từng có suy nghĩ sẽ tìm một công việc khách thay vì ở nhà nhưng thời gian nghỉ khá ngắn nên anh không thể xin việc làm.

Khách ngồi đợi xe ở các bến xe cũng giảm hẳn

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Người ta nhận mình cũng khó vì mình chỉ làm một thời gian ngắn, xe buýt chạy lại thì mình nghỉ làm để chạy xe tiếp. Thời gian đó tôi nhà thôi rồi công ty cũng có phát gạo chu cấp đồ ăn thức uống cho mình, giờ thì cũng gắng gượng qua được gần hết năm rồi, năm mới thì mong cho dịch bệnh qua đi để mọi chuyện trở lại bình thường. Ai cũng có gia đình hết cả”, ông nói.
Chia sẻ với PV, một số tiếp viên xe buýt khác cũng chia sẻ hoàn cảnh tương tự khi số lượng xe bị giảm và liên tục phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch. Trong khoảng thời gian xe buýt tạm dừng hoạt động, tài xế và tiếp viên được tính tiền lương thông qua số ngày đi làm, ngày nào đi thì sẽ có tiền, ngày nào không có xe chạy thì không được tính lương.
Anh Lê Minh Huy (tài xế xe buýt số 86) cho biết riêng xe buýt số 86 thì trước dịch có 10 chuyến xe chạy trong 1 ngày thì sẽ có 10 tài xế chạy xe nhưng giờ dịch nên giảm đi 1 chuyến. Anh em tài xế sẽ chia nhau thời gian chạy, tương tự tiếp viên xe buýt cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhưng mức lương của tiếp viên ít hơn tài xế nên chật vật hơn.

“Nhớ nghề phụ... bắt móc túi”

Anh Huy cho biết, giai đoạn cuối năm khách cũng phục hồi hơn nhưng vẫn ít hơn trước dịch Covid-19 rất nhiều. Trước đây chạy xe qua đoạn đường Hàm Nghi (Q.1, TP.HCM) ngang qua trường Đại học Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM) thường khách lên xe rất là đông, phần lớn là sinh viên nên thường xuyên không còn ghế ngồi.
Không chỉ tuyến 86, những tuyến xe buýt vốn rất đông khách như xe buýt số 19, xe buýt số 8, số 10, xe buýt số 150,... cũng lâm vào tình trạng ế khách tương tự khi học sinh sinh viên được nghỉ học trong một khoảng thời gian dài.
Với nhiều hành khách lựa chọn xe buýt là phương tiện di chuyển đặc biệt là sinh viên đều mang nỗi lo bị móc túi, móc điện thoại trên xe buýt. Tuy nhiên, cùng với tình trạng “đìu hiu” của xe buýt mùa dịch thì những người hành nghề móc túi trên xe buýt cũng không còn chỗ để “trổ tài” nữa.

Hành khách ngồi giãn cách, đeo khẩu trang trong mùa dịch Covid-19

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Anh Huy là một người từng được nhiều người biết đến khi là chuyên gia bắt cướp trên xe buýt. Dịch bệnh từ đầu năm 2020 khiến số lượng khách sử dụng xe buýt ít hơn hẳn khiến anh lâu lâu lại nhớ “nghề phụ” là bắt cướp, móc túi trên xe buýt.
Anh Huy bày tỏ khách ít thì ít hẳn móc túi là điều hiển nhiên vì xe càng đông, càng chen lấn thì móc túi càng có nhiều cơ hội hơn.

Hầu hết các xe buýt đều rơi vào cảnh "ế khách"

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cũng buồn lắm chứ, ngày xưa thấy khách đông đông thì cũng vui nhưng giờ không có khách cũng buồn, có chuyến chỉ xé được 1 đến 2 vé mà một chuyến đi hơn 1 tiếng đồng hồ, cả ngày nhiều chuyến như vậy thì cũng buồn lắm.
Để kiếm thêm thu nhập, những ngày xe không chạy anh Huy làm tiếp viên bán vé xe buýt thay vợ. “Thu nhập trước khi dịch của một tài xế xe buýt khoảng từ 14 triệu đồng đến 15 triệu đồng, đối với tiếp viên thì giao động từ 8 triệu đến 9 triệu. Nhưng sau khi dịch thu nhập của tài xế xe buýt giảm xuống còn 10 triệu đồng, đối với tiếp viên thì còn khoảng 6 triệu đồng”, anh nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.