Năm 2020 bạn kiếm bao nhiêu tiền: Tài xế công nghệ thu nhập giảm vẫn cố trụ

Cảnh An
Cảnh An
28/12/2020 12:38 GMT+7

Cả buổi sáng, anh Pháp ngồi nhìn màn hình điện thoại mà vẫn chưa nổ được cuốc nào. Cũng như anh, nhiều tài xế công nghệ trải qua năm 2020.... ngồi đợi khách. Dù thu nhập giảm nhưng nhiều người vẫn quyết bám trụ với nghề.

Chạy xe 15 tiếng/ngày mới đủ sống

Anh Trương Quốc Pháp (28 tuổi, quê Đắk Lắk), tài xế hãng Gojek bắt đầu chạy xe ôm công nghệ từ đầu năm 2020. Trước đó anh làm rẫy ở quê, sau vì cuộc sống mưu sinh, anh một mình vào TP.HCM tìm việc làm và bắt đầu chạy xe ôm.
Ngồi đợi cuốc tại khu vực Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Q.Thủ Đức), anh Pháp chia sẻ: “Khách đi xe ôm chủ yếu là công nhân, sinh viên, mà dịch họ nghỉ hết nên tôi không có khách. Một ngày tôi chạy 12 - 14 tiếng, có khi đến 15 tiếng nhưng thu nhập chỉ khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Trước khi có dịch thì tôi chạy chỉ 10 tiếng/ngày thôi đã kiếm được 500.000 đồng hoặc hơn rồi”.
Thu nhập sụt giảm buộc anh Pháp phải giảm chi tiêu để có thể đủ tiền lo chi phí sinh hoạt ở TP. Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, cuộc sống người dân dần trở lại bình thường, những tài xế xe công nghệ như anh vẫn chưa thể quay lại mức thu nhập như trước.
Năm 2020 bạn kiếm được bao nhiêu tiền: “Tài xế xe ôm công nghệ giờ đông hơn khách”1

Nhiều tài xế bấm điện thoại giết thời gian bởi lượng khách sụt giảm từ ngày bùng dịch đến giờ vẫn chưa trở lại như cũ.

ẢNH: CẢNH AN

“Từ ngày bùng dịch đến nay, tôi phải thức dậy sớm hơn để đi làm, tối về muộn hơn nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu, phải thắt lưng buộc bụng lắm mới đủ chi tiêu, thì làm gì có chuyện gửi về cho gia đình nữa”, anh Pháp tâm sự.
Cũng như anh Pháp, anh Nguyễn Phi Hùng (40 tuổi, ngụ tại Bình Dương), tài xế hãng Be cũng phải làm 14 tiếng/ngày nhưng thu nhập giảm 1/3 so với trước. Gọi là đi làm, nhưng hầu như cả năm nay anh dành phần lớn thời gian...  ngồi đợi khách.
Anh Hùng cho biết trước đó anh chạy xe tải nhưng thời gian làm việc cố định, không thoải mái như chạy xe ôm nên chuyển nghề. Anh chia sẻ: “Tôi chạy xe ôm đến nay cũng được 2 năm rồi, nhưng năm vừa rồi thu nhập giảm sút, có ngày tôi chỉ chạy được 13 cuốc xe, trong khi trước đó chạy 30 cuốc/ngày. Tôi cũng phải tiết kiệm lắm mới đủ tiền lo cho gia đình, vợ con”.
Năm 2020 bạn kiếm được bao nhiêu tiền: “Tài xế xe ôm công nghệ giờ đông hơn khách”2

Anh Nguyễn Phi Hùng (40 tuổi) vừa nhận một cuốc xe thứ 2 trong buổi sáng.

ẢNH: CẢNH AN

Tài xế đông hơn khách

Nhiều người bị mất việc làm cũng chọn nghề chạy xe ôm công nghệ để tạm mưu sinh qua ngày. Do vậy dù dịch bệnh nhưng số lượng tài xế xe ôm công nghệ vẫn tăng lên, nhiều hãng xe, dịch vụ đi kèm như giao hàng, giao đồ ăn cũng nhiều hơn trước.
Anh Lê Xuân Tân (31 tuổi, quê Bình Thuận), tài xế hãng Grab, cho biết anh vừa chở khách, vừa làm giao thức ăn. Anh Tân cho biết: “Khách đi xe thì không có tăng lên mà tài xế thì ngày một nhiều nên cũng ít cuốc giao đồ ăn lắm. Thường một ngày chỉ từ 11 giờ đến 12 giờ trưa là có đơn hàng, chứ bình thường tôi toàn ngồi đợi cả buổi sáng mà không có khách. Vì vậy mà thu nhập của tôi giảm 20 - 30% so với trước khi có dịch”.
Năm 2020 bạn kiếm được bao nhiêu tiền: “Tài xế xe ôm công nghệ giờ đông hơn khách”3

Dù nhu cầu đặt hàng online tăng cao so với trước, nhiều tài xế vẫn không thể cải thiện được thu nhập bởi có nhiều hãng cạnh tranh với nhau.

ẢNH: CẢNH AN

Theo anh Tân, dù dịch bệnh đã được khống chế nhưng khách đi xe ôm vẫn ít: “Với các cuốc xe dưới 2km, người dân bây giờ có thể sẽ chọn đi bộ thay vì đi xe ôm như trước để tiết kiệm tiền. Vì vậy tài xế xe ôm như tôi bây giờ thêm nhiều khó khăn hơn nữa”.
Cùng giao hàng, đồ ăn giống anh Tân, anh Hoàng Văn Trung (30 tuổi, quê Thanh Hóa), tài xế của Lalamove Vietnam, cho biết nhu cầu đặt hàng online dù có tăng so với trước dịch nhưng cũng không đến mức quá nhiều. Nhiều người lao động đã về quê, có đợt sinh viên được nghỉ học cũng về... quê nên số lượng đơn hàng không nhiều.
“Trước khi có dịch một ngày tôi giao 20 - 30 đơn hàng, có thể kiếm tiền triệu một ngày, nhưng giờ chỉ còn chừng 10 đơn thôi. Ngoài lo chi phí sinh hoạt ở đây, tôi cũng phải cố gắng tiết kiệm để gửi tiền về cho gia đình ở quê. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể kiếm được thu nhập như trước khi có dịch”, anh Trung cho biết.
Dù khó khăn, thu nhập sụt giảm nhưng nhiều tài xế cho biết họ vẫn chưa tính đến chuyện bỏ nghề, bởi thu nhập vẫn đủ để trang trải cuộc sông, dù phải hết sức tiết kiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.