Năm 2020 bạn kiếm bao nhiêu tiền: Tiểu thương chợ Hạnh Thông Tây 'gồng' lo cho Tết

Cảnh An
Cảnh An
19/12/2020 12:59 GMT+7

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 , nhiều tiểu thương tại chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) phải trả mặt bằng, chuyển nghề khác để mưu sinh. Những người còn lại gắng gượng lo cho cái Tết gần kề.

Dù cuối năm nhưng chợ Hạnh Thông Tây vẫn rất thưa thớt người đi chợ. Cả buổi sáng rất ít người vào chợ, chỉ có cảnh tiểu thương ngồi nói chuyện với nhau giết thời gian. Không khí buồn tẻ bao trùm lên ngôi chợ lớn nhất nhì Q.Gò Vấp.

“Trăm người bán, vài người mua”

Dịch Covid-19 ập đến, việc buôn bán của các tiểu thương chợ Hạnh Thông Tây trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bà Huỳnh Thị Liên (62 tuổi) đã bán ở chợ gần 20 năm chia sẻ năm 2020 là năm “kinh khủng” nhất đối với bà và các tiểu thương trong chợ.
“Những ngày giãn cách xã hội, tất cả tiểu thương ở đây đều đứng ngồi không yên bởi buôn bán không được nhưng tiền mặt bằng vẫn phải trả đủ. Giá thuê ki ốt trong chợ dao động từ 3 - 8 triệu đồng/tháng, nhiều người không có tiền đã phải trả mặt bằng, nghi buôn bán luôn”, bà Liên cho biết.
Theo bà Liên, sau khi hết giãn cách xã hội, người đi chợ vẫn rất thưa thớt. nhiều người chọn phương án mua hàng online, nên có những ngày chợ hầu như không một bóng khách.
Bà Liên tâm sự: “Người dân bị thất nghiệp, mất việc làm thì họ phải lo cái ăn đầu tiên trước chứ ai nghĩ đến sắm sửa gì nữa. Trước đây tôi bán một ngày cả triệu bạc, giờ chỉ còn vài trăm ngàn. Tôi phải lấy tiền tiết kiệm để bù lỗ, cả năm nay như vậy, không biết cố được đến bao giờ. Ngày xưa trăm người bán, vạn người mua, bây giờ ngược lại trăm người bán, vài người mua”.
Nhiều tiểu thương trong chợ đã trả mặt bằng, chuyển sang làm công việc khác. Bà Liên chia sẻ vì mình tuổi đã cao, nếu không buôn bán ở chợ thì cũng không biết làm việc gì, ngồi không thì buồn nên bà vẫn cố gắng bán qua ngày.
Những cửa hàng quần áo xung quanh chợ với giá thuê mặt bằng lên đến 40 triệu đồng/tháng cũng không khá hơn. Trước đây, các cửa hàng này thuê 7, 8 nhân viên bán hàng, nay chỉ còn 2, 3 người vì ít khách.

"Thân tôi còn chưa lo được, nói gì đến vợ con”

Không như bà Liên buôn bán để “cho có việc mà làm”, anh Phạm Văn Tài (37 tuổi, quê Thái Bình) là trụ cột kinh tế của gia đình, phải lo cho vợ con ở quê. Anh chia sẻ năm nay buôn bán chỉ có... lỗ.
Một ki ốt đã chuyển thành kho chứa đồ. ẢNH: CẢNH AN

Một ki ốt đã chuyển thành kho chứa đồ

ẢNH: CẢNH AN

Ki ốt của anh có giá thuê 8 triệu đồng/tháng, tuy nhiên thu nhập bây giờ của anh chỉ vừa đủ trả tiền thuê mặt bằng, không có dư để gửi về cho vợ con ở quê.
Anh chia sẻ: “Vợ tôi ở quê làm giáo viên dạy hợp đồng, lương không đến 3 triệu đồng/tháng, mà còn nuôi con nhỏ đang đi học. Vào TP.HCM lập nghiệp chỉ mong kiếm được tiền lo cho gia đình, nhưng năm nay thân tôi còn chưa lo được, nói gì đến vợ con”.
Anh Tài cho biết mọi năm vào giai đoạn cuối năm anh nhập hàng về nhiều để bán, nhưng năm nay hàng tồn kho còn nhiều, anh không dám nhập thêm.
Sau khi TP.HCM hết giãn cách xã hội và không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, việc buôn bán của các tiểu thương ở chợ có khá hơn. Nhưng khi xuất hiện ca nhiễm mới liên quan đến tiếp viên Vietnam Airlines, chợ lại vắng vẻ như lúc mới bùng phát dịch.
“Sang năm tới nếu tình hình còn thế này có lẽ tôi cũng phải bỏ nghề, chuyển sang làm công việc khác. Nhiều tiểu thương xung quanh tôi cũng đã bỏ nghề hết rồi”, anh Tài tâm sự.
Bà Huỳnh Thị Liên bên cạnh ki ốt của mình. Dịch đến khiến thu nhập của bà giảm hơn một nửa. ẢNH: CẢNH AN

Bà Huỳnh Thị Liên ở ki ốt của mình. Dịch đến khiến thu nhập của bà giảm hơn một nửa.

ẢNH: CẢNH AN

Một tiểu thương khác ở chợ cho biết trước đây bà có ki ốt cho thuê, nhưng nay người bán đã trả mặt bằng, bà đành dùng nó làm kho để đồ. Rất nhiều ki ốt ở chợ cũng trong tình trạng đóng cửa hoặc dùng làm kho.
Dịp cuối năm cận kề, nhiều tiểu thương ở chợ Hạnh Thông Tây cho biết mong muốn sang năm mới cuộc sống sớm quay trở lại bình thường. Còn trước mắt, họ vẫn phải cố gắng gượng để lo cho cái Tết gần kề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.