'Năm 2020, Hà Nội biến động rất lớn về nhân sự chủ chốt, thiếu hụt kế cận'

Vũ Hân
Vũ Hân
03/04/2021 11:32 GMT+7

"Năm 2020, Hà Nội có biến động rất lớn về nhân sự chủ chốt , thiếu hụt lãnh đạo kế cận. Đại hội (Đảng bộ) xong, Thường trực chỉ còn mình tôi. Mình là tân binh trở thành cựu binh", nguyên Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ nói.

Thời gian công tác 14 tháng nhưng qua 2 nhiệm kỳ

Sáng 3.4, tại Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ nhiệm Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người tiền nhiệm của ông Dũng, đã có phát biểu chúc mừng.
Xin phép hội nghị được “nói vo” thay vì bài phát biểu được soạn sẵn như thường lệ, ông Vương Đình Huệ thể hiện sự gắn bó của mình với Hà Nội, cho biết, từ lần đầu ra thủ đô năm 1974 đến nay, ngoại trừ mấy năm học tập ở nước ngoài, ông chưa bao giờ xa Hà Nội.
Con cháu ông đều được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trở thành công dân thủ đô.
Dù ở Hà Nội lâu như thế, giữ nhiều vị trí công tác suốt nhiều năm, từ ở Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, rồi cương vị Phó thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đến nay được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, thì ông “chỉ thực sự có được may nhất khi được T.Ư, Bộ Chính trị tin tưởng phân công về công tác ở Hà Nội, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội từ ngày 7.2.2020”.
Tuy từ đó đến nay mới chỉ 14 tháng, nhưng ông Huệ “nói đùa” rằng, thời gian ở Hà Nội của ông tính năm là 4 năm (2 năm dương lịch và 2 năm âm lịch); tính nhiệm kỳ thì 2 nhiệm kỳ (nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 2021 - 2026). Thời gian chưa dài, nhưng ông “cảm thấy có sự trưởng thành vượt bậc, được đắm mình trong các sự kiện vô cùng sôi động, phong phú của thủ đô”.

Ông Vương Đình Huệ vừa được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia

Không chỉ các vấn đề về kinh tế, với vai trò Bí thư Thành ủy, ông Huệ còn chỉ đạo các vấn đề về xây dựng Đảng, các vấn đề xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chăm sóc người có công và rất nhiều nhiệm vụ khác. Trong hơn một năm đó, ông Huệ cho biết đã kịp thời thăm, làm việc với 30/30 quận, huyện và thị xã cùng với nhiều sở, ngành của thành phố.

Ông Vương Đình Huệ nhận hoa chúc mừng từ Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Bí thư Thành ủy kế nhiệm Đinh Tiến Dũng

Ảnh Đậu Tiến Đạt

Dẫn lại lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát biểu tại Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, linh thiêng và hào hoa; là bộ mặt, trái tim của cả nước; là thủ đô anh hùng, đã được UNESCO vinh danh là thành phố vì hòa bình, rồi sau đó được ghi nhận vào danh sách thành phố thiết kế sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo trên toàn thế giới; là đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, là trung tâm lớn của cả nước.
Về công tác tại Hà Nội, ông Huệ “cảm thấy có nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò hết sức qua trọng của thủ đô chúng ta, và cảm thấy yêu Hà Nội hơn".
Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với hơn 465.000 đảng viên; có lịch sử, truyền thống lâu đời (vừa kỷ niệm 91 năm ngày thành lập). Qua chỉ đạo thực tiễn, ông Huệ nhận định, Đảng bộ Hà Nội luôn đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, sáng tạo và gương mẫu. Với truyền thống đoàn kết, mỗi khi có thử thách, dù khó khăn, khắc nghiệt đến đâu thì đảng bộ, quân dân Hà Nội đều vượt qua, trưởng thành hơn.

Tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức

"Nhân vô thập toàn..."

“Năm 2020, Hà Nội có biến động rất lớn về nhân sự chủ chốt, sau đại hội thiếu hụt lãnh đạo kế cận. Đại hội (Đảng bộ) xong, thường trực chỉ còn mình tôi. Mình là tân binh trở thành cựu binh. Trong số Chủ tịch UBND thành phố và 6 Phó chủ tịch, có duy nhất một đồng chí Phó chủ tịch tái cử. Chủ tịch và 5 Phó chủ tịch đều được kiện toàn", ông Huệ nhớ lại tình thế của Hà Nội năm 2020 vừa qua, và cho biết:
"Chúng ta có rất nhiều khó khăn, nhưng đã đoàn kết, thống nhất và được sự lãnh đạo, chỉ đạo trục tiếp, thường xuyên của T.Ư, sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các lãnh đạo chủ chốt, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư, và các bộ, ngành...".
Điều này, cùng với sự ủng hộ, đoàn kết của người dân, theo ông Huệ, đã giúp Hà Nội tiến lên.

Bài phát biểu đầu tiên của tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chúc mừng ông Đinh Tiến Dũng đã được Bộ Chính trị thống nhất rất cao phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ mong ông Đinh Tiến Dũng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết của Hà Nội, trí tuệ, bản lĩnh, sáng tạo, dẫn dắt Đảng bộ, quân và dân thành phố tiến lên.  
"Nhân vô thập toàn, trong quá trình công tác, có vấn đề gì mong muốn mà chưa làm được, hoặc có việc chưa làm tốt, đôi khi do cấp bách về công việc, "volume" phát biểu của Bí thư to hơn bình thường, mong các đồng chí thông cảm và chia sẻ.
Tình cảm của tôi với các đồng chí là như nhau, không phân biệt cán bộ to cán bộ nhỏ hay vị trí nào cả. Dù vị trí công tác của tôi có ở đâu, trái tim tôi cũng trọn vẹn với thủ đô của chúng ta", tân Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.