Trong đó, nổi bật là quy định xem tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025 cùng quyết tâm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường của Bộ Chính trị và Chính phủ.
CUỘC CÁCH MẠNG TỪ AI
Theo thạc sĩ Trần Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ Khoa Sư phạm, ĐH Durham (Anh), một xu hướng khác là cơn sốt IELTS vẫn tiếp tục khi kỳ thi này đã trở thành "tiêu chuẩn vàng" để đánh giá năng lực tiếng Anh. "Thị trường luyện thi IELTS ngày càng mở rộng, thậm chí lan sang cả bậc giáo dục phổ thông khi nhiều trung tâm ngoại ngữ hợp tác với các sở giáo dục để tập huấn giáo viên (GV) dạy IELTS", anh Vũ lưu ý.
Ngoài ra, một xu hướng đáng chú ý nữa trong năm 2024 là sự gia tăng mạnh mẽ số GV tiếng Anh "chuyển ngành". Đây là những người từ các lĩnh vực khác chuyển sang giảng dạy tiếng Anh, chủ yếu đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường luyện thi, đặc biệt là IELTS. "Sự phát triển của GV "chuyển ngành", dù mang lại nguồn nhân lực dồi dào nhưng cũng đòi hỏi các cơ quan quản lý phải xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn", thạc sĩ Vũ chia sẻ.
Cũng theo anh Vũ, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục trên toàn cầu và VN cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Các ứng dụng học ngoại ngữ thông minh như Duolingo, ChatGPT hay các nền tảng dùng AI đang ngày càng phổ biến. Một số trung tâm ngoại ngữ tại VN cũng bắt đầu tích hợp AI vào giảng dạy, từ cá nhân hóa nội dung bài học đến xây dựng bài kiểm tra tự động.
"Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của AI, GV cần được đào tạo để sử dụng công nghệ này như một công cụ hỗ trợ thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào nó. AI được dự đoán sẽ trở thành nhân tố quyết định trong việc định hình tương lai của dạy học ngoại ngữ tại VN", thạc sĩ Vũ nhấn mạnh và nói thêm việc dạy và học tiếng Anh không chỉ là câu chuyện của nhà trường mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Sử dụng AI trong học tập, nghiên cứu đã trở nên phổ biến với học sinh, sinh viên
ảnh: chụp màn hình
TĂNG NHU CẦU HỌC CÁC NGOẠI NGỮ CHÂU Á
Bên cạnh thị trường dạy và học tiếng Anh, nhiều ngoại ngữ khác cũng tăng dần sự thu hút. Như đối với tiếng Trung, ông Lăng Quang Du, Phó giám đốc Trung tâm Phương Phương và du học quốc tế FIOH (Hà Nội), chia sẻ số học viên đến đơn vị của ông tăng đều qua các năm khoảng 10-15%. "Nhu cầu chính là để tìm cơ hội làm việc, thăng tiến, kinh doanh hay du học", ông Du cho hay.
Theo ông Lăng Quang Du, thị trường giảng dạy trong năm nay ngày càng cạnh tranh vì nhu cầu học tiếng Trung càng lúc càng lớn. Một xu hướng đáng chú ý khác là nhiều bạn trẻ từ tiểu học đã theo học tiếng Trung, cho thấy ngôn ngữ này dần phủ sóng không kém tiếng Anh về đối tượng học, ông nhận định.
Ông Trần Thiên Văn, Giám đốc điều hành Zila Education (TP.HCM), cũng cho biết thị trường dạy tiếng Hàn đang có xu hướng phát triển cả về số trung tâm lẫn người học. Tuy nhiên, theo ông thì tiếng Hàn là một thị trường ngách nên chưa có nhiều đơn vị đầu tư nguồn lực lớn như tiếng Anh, và đó cũng là lý do các phương pháp dạy học tiếng Hàn hiện nay chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
Ông Văn đặc biệt lưu ý về yếu tố công nghệ trong việc dạy và học ngoại ngữ. Cụ thể, nhờ công nghệ phát triển và những thành tựu từ các ứng dụng (app) dạy tiếng Anh, một số đơn vị dạy tiếng Hàn đã bắt đầu áp dụng AI trong đào tạo. "Các app dạy tiếng Hàn đang dần hoàn thiện và đáp ứng tốt hơn nhu cầu người học. Tuy nhiên, sự phát triển các công nghệ mới vẫn còn nhiều hạn chế", ông Văn nhìn nhận.
Giám đốc điều hành Zila Education (TP.HCM) cho biết thêm đơn vị của ông đang phát triển một nền tảng tự học tiếng Hàn trực tuyến. "Song song đó, chúng tôi cũng đang dùng những công cụ trực tuyến để bổ sung cho quá trình học trực tiếp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy", ông Văn chia sẻ.
Bình luận (0)