Năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM có bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển?

Hà Ánh
Hà Ánh
08/10/2024 05:45 GMT+7

Từ năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trương giảm bớt và chỉ giữ lại 3 phương thức tuyển sinh ĐH. Thông tin này được xem là bất ngờ với nhiều học sinh tham gia xét tuyển năm tới. Thậm chí có học sinh nghĩ rằng ĐH này không còn phương thức ưu tiên xét tuyển.

Thực tế việc điều chỉnh cách thức xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm tới ra sao?

CHỈ RÚT GỌN CÁC PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN

Những thông tin mới nhất về phương hướng tuyển sinh ĐH của ĐH Quốc gia TP.HCM được chia sẻ trong hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2024 và phương hướng từ năm 2025, do ĐH này tổ chức ngày 6.10. Những định hướng điều chỉnh tuyển sinh mới nhất từ phía ĐH Quốc gia TP.HCM lần đầu được công bố.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết từ năm 2025 ĐH này giảm bớt các phương thức tuyển sinh ĐH. Riêng trong năm 2025, ĐH này thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh ĐH. Cụ thể gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT.

Không chỉ riêng trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH này sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền giảm bớt các phương thức tuyển sinh ĐH và chỉ công bố kết quả xét tuyển ĐH sau khi có điểm thi THPT kể từ năm 2025. Các lĩnh vực then chốt cần được tập trung trong công tác đào tạo và tuyển sinh gồm: công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và các ngành đào tạo liên ngành, liên trường.

Năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM có bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển?- Ảnh 1.

Sinh viên trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2024 làm thủ tục nhập học

ẢNH: NGỌC LONG

Thông tin thêm về chủ trương này, theo tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, đây là xu hướng rút gọn các phương thức xét tuyển theo hướng tích hợp các tiêu chí khác nhau trong cùng phương thức xét tuyển. Ví dụ, phương thức 1 xét tuyển thẳng nhằm tuyển chọn các thí sinh giỏi, thí sinh tài năng. Phương thức này sẽ gồm đối tượng xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH Quốc gia TP.HCM. "ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tính toán các tiêu chí xét tuyển của phương thức này một cách khoa học và phù hợp hơn. Không có việc ĐH Quốc gia TP.HCM bỏ hẳn phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh 149 trường THPT theo quy định riêng", tiến sĩ Dương khẳng định.

Đúng theo quan điểm này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho biết năm 2025 trường rút gọn còn 3 phương thức xét tuyển (thay vì 5 phương thức như năm 2024). Cụ thể, trường định hướng sử dụng 3 phương thức gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức và xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong đó, theo tiến sĩ Hạ, phương thức xét tuyển và ưu tiên xét tuyển gồm diện xét tuyển khác nhau, như: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM; ưu tiên xét tuyển thành viên đội tuyển của tỉnh, thành phố tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố…

"Ngoài 2 phương thức chủ đạo xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực và điểm thi tốt nghiệp THPT, các phương thức xét tuyển còn lại sẽ được sắp xếp trong cùng một phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Do đó, về mặt bản chất các phương thức xét tuyển của trường giữ ổn định so với trước đây, học sinh không cần lo lắng", tiến sĩ Hạ thông tin thêm.

Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận sâu về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM trong thời gian tới. Nói thêm về kỳ thi này, PGS-TS Vũ Hải Quân cho hay: "ĐH Quốc gia TP.HCM có sứ mạng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có tư duy khởi nghiệp, có năng lực lãnh đạo. Do đó, về cơ bản ĐH này giữ ổn định đề thi đánh giá năng lực năm 2025 như những năm trước".

VẪN THỰC HIỆN PHƯƠNG THỨC KẾT HỢP NHIỀU TIÊU CHÍ

Việc ĐH Quốc gia TP.HCM công bố thông tin về chủ trương thống nhất sử dụng 3 phương thức xét tuyển độc lập từ năm 2025 khiến nhiều người băn khoăn về phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí đang được sử dụng tại Trường ĐH Bách khoa các năm gần đây.

Trao đổi thêm về định hướng này, PGS-TS Vũ Hải Quân cho biết quan điểm trên là chủ trương chung của ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường ĐH có quyền tự chủ trong xây dựng phương thức tuyển sinh cụ thể của trường mình - trong đó có phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí. ĐH này cũng khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, cho biết năm 2025 trường định hướng giữ nguyên phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí. Bên cạnh đó, trường sẽ còn 1 phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT và ĐH Quốc gia TP.HCM. Riêng phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí, trường vẫn dự kiến áp dụng cho tối đa 90% chỉ tiêu của trường. Trong nhiều tiêu chí xét tuyển của phương thức này, thành tố học lực dự kiến gồm: điểm học tập THPT (dự kiến 10% trọng số điểm), điểm kỳ thi đánh giá năng lực (dự kiến 70% trọng số điểm) và điểm thi tốt nghiệp THPT (dự kiến 20% trọng số điểm).

Năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM có bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển?- Ảnh 2.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí

ẢNH: NGỌC LONG

XÁC ĐỊNH NGƯỠNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐẦU VÀO CHUNG

Ngoài ra, một điểm mới dự kiến được ĐH Quốc gia TP.HCM áp dụng trong tuyển sinh ĐH từ 2025 là việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung trong toàn hệ thống. Trong khi đó, trước nay các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM có những quy định khác nhau về điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển.

Chia sẻ thêm về điểm mới này, tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương cho biết ĐH này sẽ phân tích phổ điểm của 5 - 10 năm để xây dựng ngưỡng đảm bảo đầu vào chung cho toàn hệ thống. Mức sàn này dự kiến được xác định theo từng tiêu chí xét tuyển cụ thể như: điểm bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, điểm học tập THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT…

"Đây là mức tối thiểu của từng tiêu chí để các trường nhận hồ sơ, và dù xét tuyển theo phương thức nào, các trường cũng có thể căn cứ vào mức điểm cụ thể", tiến sĩ Dương thông tin thêm.

Thí sinh vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024 chủ yếu từ kết quả thi tốt nghiệp THPT

Theo số liệu báo cáo, năm 2024 số lượng thí sinh xác nhận nhập học thực tế của toàn ĐH Quốc gia TP.HCM là 23.184 em, đạt tỷ lệ 95,79% (năm 2023 là 96,72%). Trong đó, phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM (chỉ chiếm 1,58%). Phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM chiếm 8,95%. Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức cũng chỉ chiếm 38,11%. Phương thức có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học cao nhất vẫn là xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT với 42,71%. Các phương thức xét tuyển khác tại đơn vị chỉ chiếm 4,45%.

Các phương thức xét tuyển hiện nay của các trường thành viên

Năm 2024, các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có 5 phương thức, riêng phương thức 5 có nhiều diện ưu tiên xét tuyển khác nhau theo quy định của trường.

Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng có 5 phương thức, riêng phương thức 5 cũng xét theo quy định riêng của trường.

Trường ĐH Công nghệ thông tin có 4 phương thức, trong đó phương thức 4 dành cho chương trình liên kết.

Ngoài phương thức chủ đạo xét kết hợp nhiều tiêu chí, Trường ĐH Bách khoa vẫn còn 5 phương thức tuyển sinh khác.

Trong 6 phương thức tuyển sinh năm 2024 của Trường ĐH An Giang, có 1 phương thức xét tuyển dựa vào học bạ THPT kết hợp bài luận.

Đáng chú ý, Trường ĐH Khoa học sức khỏe sử dụng tới 9 phương thức xét tuyển khác nhau…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.