Nam Bộ sẽ ngập sâu vào cuối tuần

Chí Nhân
Chí Nhân
22/10/2018 07:30 GMT+7

Đài khí tượng thủy văn Nam bộ cho biết mực nước triều tại các trạm vùng hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn sẽ lên nhanh trong tuần này.

Cụ thể, đỉnh triều lớn nhất có khả năng xuất hiện vào những ngày thứ sáu, thứ bảy (26 - 27.10) từ 5 - 7 giờ và 17 - 19 giờ, vượt mức báo động 3 từ 10 - 15 cm hoặc hơn. Vì thế, nhiều nơi trũng thấp ở TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long và vùng ven biển ĐBSCL sẽ bị ngập sâu gần bằng đợt triều cường vừa qua.
Triều, lún, cốt nền = ngập nặng
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan giải thích: Đỉnh triều cường vừa qua là lịch sử ở khu vực Nam bộ. Thông thường, đỉnh triều cường của năm thường rơi vào tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Chính vì vậy đợt triều cường sắp tới nhiều khả năng sẽ bằng hoặc cao hơn đỉnh triều vừa rồi. Tuy nhiên có đặc thù ở TP.HCM là triều cường thường kết hợp yếu tố mưa gây ngập càng nặng. Trong khi đó, ở ĐBSCL triều cường kết hợp với lũ ở thượng nguồn.
Tình trạng ngập do triều cường thường kéo dài đến gần cuối năm, theo triều cường 2 lần mỗi tháng. Tình trạng ngập nặng vừa qua không chỉ do triều cường cao, mà theo các chuyên gia là tổng hợp nhiều yếu tố, trong đó có tình trạng sụt lún mặt đất, loạn cốt nền xây dựng…
Trong khi tại khu vực TP.HCM tình trạng ngập nặng do triều cường cao kết hợp với tình trạng sụt lún mặt đất nghiêm trọng do khai thác nước ngầm và đô thị hóa cao.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, giải thích: Tại các tỉnh ĐBSCL, không chỉ ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười là có nhiều đê bao khép kín để canh tác lúa bên trong đê trong mùa lũ, mà hiện nay ở vùng giữa như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang đê bao khép kín hiện diện khắp nơi. Hầu hất các sông ngòi ở vùng này, kể cả những sông rạch nhỏ đều có hai con lộ hai bên bờ sông như hai con đê ngăn nước. Nước chảy trong sông ngòi kênh rạch vùng này như chảy trong những chiếc máng xối và dâng cao trong lòng sông rạch trong khi đó bên trong ruộng vườn không bị ngập. Khối nước khổng lồ không phân chia được vào ruộng vườn thì sẽ phải tìm nơi khác, như thành phố, mà ngập.
Đê bao cũng góp phần gây ngập
Những hình ảnh tương phản có thể quan sát thấy vào giữa mùa lũ năm nay. Khi mà các thành phố lội bì bõm trong nước thì bên trong những vùng như dự án kiểm soát lũ Ô Môn - Xà No mương vườn nước rất ít và có nơi nước đen ngòm. Trên tuyến lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp từ hướng Cần Thơ về Vị Thanh, sẽ khó thấy một cánh đồng ngập nước nào.
Như vậy, tình trạng ngập của các vùng đô thị phía hạ nguồn ĐBSCL vừa qua không chỉ là do triều cường, mà còn do sụt lún và đê bao khép kín khắp nơi. Trong những năm tới và trong tương lai, hiện tượng ngập như thế sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Đặc biệt, sông
Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất thế giới nhưng toàn bộ ĐBSCL, kể cả vùng nông thôn sâu, nhà nhà đều sử dụng nước ngầm vì nước sông ngòi không còn sử dụng được do quá ô nhiễm vì phải gánh lượng lớn hóa chất nông nghiệp và không còn thông thoáng do bị quá nhiều công trình cản trở. Tình trạng này sẽ vẫn còn trầm trọng hơn nếu nông nghiệp chậm chuyển đổi sang hướng mới theo Nghị quyết 120.
Theo bà Lan, các số liệu đo đạc cho thấy năm 2013 ĐBSCL có lũ tương đương năm 2011 nhưng lượng nước thực tế về ĐBSCL lại ít hơn, điều này cũng tương tự nếu so sánh 2011 với năm 2000. Đó là vấn đề rất cần được nghiên cứu, tính toán. Bởi theo các chuyên gia, đây là vấn đề phức tạp, tổng hòa của nhiều nguyên nhân. Chính vì vậy để giải quyết vấn đề này cần có cách nhìn nhận và giải pháp tổng thể.
Tại TP.HCM, đã có nhiều giải pháp trong nhiều năm qua tránh ngập, lụt, nhưng đều không khả thi. Cứ vào mỗi dịp cuối năm người dân thành phố lại phải bì bõm trên đường mỗi tháng 2 lần, gây rất nhiều khó khăn cho giao thông, cuộc sống và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm vì ngập ngày càng gia tăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.