Đài truyền hình Vĩnh Long từng nhận được rất nhiều ý kiến, phản hồi tốt từ khán giả dành cho bộ phim này. Theo đó, hiệu ứng đi cùng chính là sự gia tăng số lượng người xem (rating) và quảng cáo. Minh chứng tiếp theo về sự thu hút, thuyết phục của phim chính là việc VTV phát lại vào giờ vàng (20 giờ 10) - điều trước đây chưa bao giờ có. Nhờ đó, Không chùn bước (đạo diễn: Long Vân, NSƯT - thượng tá Khương Đức Thuận, Đặng Minh Quang, kịch bản: nhà văn - đại tá Nguyễn Xuân Hải, cố vấn nghiệp vụ: trung tướng Hữu Ước) có cơ hội đến với công chúng rộng rãi hơn, không chỉ thỏa mong ước của những người đã tạo nên Những đứa con biệt động Sài Gòn, mà còn thỏa lòng những ai có tâm huyết với nghề, luôn mong muốn phim hay phải được chiếu giờ đẹp, phải nhận được sự quan tâm đúng mức.
|
Phản ánh cuộc đấu tranh chống tội phạm hình sự của các chiến sĩ công an - là con, cháu của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa, Không chùn bước tạo được sự hứng thú với khán giả bởi câu chuyện được xây dựng từ vụ án có thật và nổi tiếng, gây rúng động một thời: Năm Cam và đồng bọn. Người xem dễ dàng nhận ra “ông trùm” của vụ án này qua hình ảnh của Bảy Xoài (nghệ sĩ Hai Nhất đóng), hay Dung Hà - thấp thoáng trong Phượng Đê (Kim Phượng), Hải “bánh” - qua nhân vật Sứ (Văn Luật), Lâm “chín ngón” - qua Mộc Già (Đức Mông Cổ)...
|
Được hậu thuẫn bởi các quan chức có máu mặt, cùng với con trai, Bảy Xoài ngày càng bành trướng thế lực, mở rộng địa bàn hoạt động (kinh doanh nhà hàng, vũ trường, khách sạn, gái gọi, cho vay nặng lãi...). Vì vậy khi Phượng Đê Nam tiến và muốn “xin đất”, phân chia lại địa bàn, khi Mộc Già đòi công bằng quyền lợi..., Bảy Xoài trước mặt thì ngọt nhạt ừ hử, nhưng sau lưng lại khéo léo dàn xếp để chúng “đụng độ” và trừ khử nhau. Sau khi xử được Mộc Già, Bảy Xoài tiếp tục “dụng” Phượng Đê, rồi chiêu dụ cả đàn em của ả (Sứ) về làm việc cho mình, để cuối cùng mượn tay Sứ xóa sổ Phượng Đê... Được kể lại (tất nhiên không thể thiếu những hư cấu để tăng tính “xi-nê”) bằng tiết tấu nhanh, lời thoại vừa đủ và đời thật, các nhân vật mấu chốt rất hợp vai, những pha hành động cũng “hơn hẳn các phim về cảnh sát hình sự trước đó” (như nhận xét của nhiều khán giả trên diễn đàn điện ảnh), Không chùn bước tạo được sự gay cấn, thú vị ngay từ những tập đầu tiên. Đáng nói hơn, ê-kíp làm phim còn được sự hỗ trợ đặc biệt từ chính những người tham gia vụ án Năm Cam lúc bấy giờ (cụ thể là đội khám nghiệm tử thi Dung Hà, đội bắt Năm Cam trước đây...), góp phần tạo thêm tính chân thực, chuyên nghiệp cho một bộ phim hình sự.
Ấn tượng với Kim Phượng Người gây ấn tượng mạnh trong phim còn có Kim Phượng trong vai Phượng Đê, và không quá lời cho rằng đây là vai diễn lột xác của Kim Phượng. Từ biểu cảm trên gương mặt, cái nhếch môi, gườm mắt cho đến cử chỉ, tướng đứng, dáng đi của một đàn chị... ô môi, cô gần như khó bị bắt lỗi chỗ nào. |
Dẫu so với các phim hình sự trước đây của VN, so với mặt bằng chung của phim truyền hình VN, Không chùn bước có thể nổi bật, nhưng không vì vậy mà không có “sạn” hoặc những tình huống gây cười (cảnh bắt rắn trong nhà hàng hơi... hài, cách xưng hô “đồng chí” còn gượng, một số pha đánh đấm thiếu lửa, Bảy Xoài lẫy lừng đến thế mà vừa nghe tin Sứ còn sống đã tim đập chân run, hay sự hy sinh khiên cưỡng của Minh Thư...). Song, có thể hiểu và thông cảm được, bởi đạo diễn Long Vân bày tỏ, những người làm phim không tập trung chuyên môn hoàn toàn vì phải lo vấn đề kinh tế, nhà sản xuất yêu cầu quay 3 ngày/tập nên khó mà đảm bảo chất lượng như mong muốn.
Nguyên Vân
Bình luận (0)